13:40 09/07/2016

Mỹ-Hàn nhất trí triển khai phòng thủ tên lửa, Trung Quốc “giãy nảy”

An Huy

Hệ thống phòng thủ tên lửa Thaad được xem là một điểm xung đột mới trong bối cảnh Mỹ tìm cách duy trì sự thống lĩnh chiến lược của mình trong khu vực

Một phần hệ thống phòng thủ tên lửa Thaad do Mỹ triển khai ở Guam tháng 10/2015 - Ảnh: Stars and Stripes.<br>
Một phần hệ thống phòng thủ tên lửa Thaad do Mỹ triển khai ở Guam tháng 10/2015 - Ảnh: Stars and Stripes.<br>
Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Thaad trên bán đảo Triều Tiên, và động thái này ngay lập tức vấp phải sự phản ứng mạnh từ Trung Quốc - Bloomberg cho hay.

Theo hãng tin này, quân đội Hàn Quốc ngày 8/7 nói Mỹ sẽ triển khai Thaad tại nước này muộn nhất là vào cuối năm 2017. Quyết định này là sự đáp trả đối với nguy cơ tên lửa đạn đạo ngày càng lớn từ Triều Tiên, một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói trong cuộc họp báo được phát sóng trên truyền hình.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Thaad được xem là một điểm xung đột mới trong bối cảnh Mỹ tìm cách duy trì sự thống lĩnh chiến lược của mình trong khu vực trước sự nổi lên của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh chống lại điều mà họ cho là nỗ lực kiềm chế Trung Quốc do Washington dẫn đầu.

Tuyên bố của Seoul về Thaad được đưa ra chỉ vài ngày trước khi tòa án trọng tài quốc tế dự kiến ra phán quyết về vụ kiện biển Đông - một điểm nóng xung đột khác ở châu Á-Thái Bình Dương.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức có phản ứng, nói rằng Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ việc triển khai Thaad, đồng thời hối thúc Seoul và Washington xem xét lại động thái này.

Việc triển khai Thaad “không giúp đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, không đem lại lợi ích cho việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên” - Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một tuyên bố. “Việc này sẽ đi ngược hướng giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán”.

Trước đó, một tuyên bố ngày 8/7 của Bộ Quốc phòng Mỹ nói Thaad sẽ “chỉ tập trung vào các nguy cơ hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên và sẽ không nhằm vào bất kỳ quốc gia thứ ba nào”.

Trái với sự “nổi đóa” của Trung Quốc, Nhật Bản hoan nghênh động thái của Mỹ và Hàn Quốc. Phát biểu trước báo giới tại Tokyo, phát ngôn viên Chính phủ Nhật Bản Koichi Haguida nói rằng bước tiến này trong hợp tác quốc phòng Mỹ-Hàn Quốc sẽ đóng góp cho ổn định trong khu vực. Tháng trước, Nhật, Hàn và Mỹ đã tổ chức cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên nhằm theo dõi tên lửa Triều Tiên.

Hàn Quốc và Mỹ đã thảo luận về triển khai Thaad kể từ khi chính quyền Kim Jong Un thực hiện vụ thử hạt nhân thứ tư của Triều Tiên vào tháng 1 năm nay và tiếp đó phóng thử một tên lửa tầm xa vào tháng 2, vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Theo đánh giá của nhà phân tích Kim Dong-yup thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông, Đại học Kyungnam, Seoul, việc triển khai Thaad có thể đẩy quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc rơi vào lạnh giá.

“Sẽ có hành động trả đũa bằng kinh tế của Chính phủ Trung Quốc”, ông Kim nói. “Họ sẽ gây khó dễ về thương mại, chẳng hạn làm cho các sản phẩm của Hàn Quốc khó vượt qua các hàng rào thanh kiểm tra”.

Trong phiên giao dịch ngày 8/7, giá cổ phiếu các công ty mỹ phẩm Hàn Quốc sụt mạnh khi các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về khả năng Trung Quốc giảm chi tiêu cho các sản phẩm Hàn. Giá cổ phiếu LG Household & Health Care Ltd. giảm tới 7,5% trong khi giá cổ phiếu Amorepacific giảm tới 5,2%.

Quyết định Mỹ-Hàn về triển khai Thaad cũng được đưa ra đúng lúc Triều Tiên gọi việc Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với nhà lãnh đạo Kim Jong Un là “tuyên bố chiến tranh”. Trước đó, vào ngày 7/7, Mỹ lần đầu tiên công bố lệnh trừng phạt đối với ông Kim Jong Un và một số quan chức cấp cao của Triều Tiên với lý do vi phạm nhân quyền.