Mỹ-Trung khó đạt thỏa thuận "đột phá" trong đàm phán thương mại
Cuộc thảo luận, bắt đầu từ ngày thứ Năm và kết thúc vào ngày thứ Sáu, dự kiến sẽ bàn đến một loạt vấn đề mà Mỹ phàn nàn về hoạt động thương mại của Trung Quốc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 4/5 nói rằng Mỹ và Trung Quốc đang có một "cuộc đối thoại rất tốt về thương mại", khi quan chức hai nước chuẩn bị bước vào ngày đàm phán thứ hai ở Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/5 cũng lên tiếng ca ngợi mối quan hệ tốt đẹp giữa ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng hai nước khó đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá để tháo gỡ mâu thuẫn thương mại trong lần đàm phán này.
Theo hãng tin Reuters, khả năng nhiều hơn là hai bên sẽ đạt một gói giải pháp ngắn hạn mà theo đó, Washington có thể hoãn áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh hoãn áp thuế lên 50 tỷ USD hàng Mỹ.
Cuộc thảo luận, bắt đầu từ ngày thứ Năm và kết thúc vào ngày thứ Sáu, dự kiến sẽ bàn đến một loạt vấn đề mà Mỹ phàn nàn về hoạt động thương mại của Trung Quốc, từ chuyển giao tài sản trí tuệ cho đến trợ cấp của nhà nước cho phát triển công nghệ. Dẫn đầu cuộc đàm phán này là ông Mnuchin và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
Sau khi phái đoàn Mỹ đặt chân tới Bắc Kinh vào ngày thứ Năm, ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter: "Nhóm tài chính tuyệt vời của chúng ta đã đến Trung Quốc để đàm phán về một sân chơi thương mại bình đẳng. Tôi mong muốn gặp Chủ tịch Tập trong thời gian không xa. Chúng tôi luôn có một mối quan hệ tốt (tuyệt vời)!".
Theo tin từ Bloomberg, ông Mark Calabria, chuyên gia kinh tế trưởng của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 3/5 nói rằng phái đoàn Mỹ đã trao cho phía Trung Quốc một "bản danh sách chi tiết các đề nghị". Không nói cụ thể những đề nghị là gì, ông Calabria chỉ tiết lộ rằng Mỹ muốn Trung Quốc hạ thuế quan cho tương xứng với mức thuế của Mỹ - một biện pháp có thể giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Mỹ sang Trung Quốc.
"Tôi được biết là trong ngày đàm phán đầu tiên, mọi chuyện tương đối tích cực", ông Calabria nói.
Trong khi đó, phía Trung Quốc tiếp tục thể hiện một quan điểm cứng rắn. Hôm thứ Tư, một quan chức cấp cao của Chính phủ Trung Quốc đề nghị giấu tên nói Bắc Kinh sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào mà Mỹ đặt ra như tiền đề để hai bên đàm phán, chẳng hạn việc Mỹ muốn Trung Quốc từ bỏ tham vọng về phát triển một nền sản xuất hiện đại trong tương lai hay cắt giảm 100 tỷ USD trong thặng dư thương mại với Mỹ.
"Kỳ vọng của chúng tôi (về một thỏa thuận) là thấp. Lập trường đàm phán của Mỹ không rõ ràng. Thậm chí, không rõ các đại diện của Mỹ có cùng chung quan điểm về mục tiêu hay không", chuyên gia kinh tế trưởng Tom Orlik của Bloomberg Economics phát biểu. "Phía Trung Quốc thì đã có chút nhượng bộ rồi và họ sẽ không vội nhượng bộ thêm".
Trong một bài bình luận vào hôm thứ Tư, hãng thông tấn Tân Hoa Xã nói Mỹ nên thể hiện thái độ chân thành trong đàm phán thương mại thay vì đưa ra những đòi hỏi phi lý. Trung Quốc sẽ có biện pháp trả đũa tương xứng nếu Mỹ tiến hành đánh thuế hàng Trung Quốc sau cuộc đàm phán này, bài báo nói.
Tại cuộc họp báo thường ngày của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/5, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói đàm phán thương mại Trung-Mỹ cần có sự tham vấn bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, hướng đến lợi ích chung.