10:15 09/05/2019

Mỹ-Trung “nắn gân” nhau trước "giờ G" đàm phán thương mại

An Huy

Mỹ và Trung Quốc cảnh báo lẫn nhau trước vòng đàm phán đặc biệt quan trọng diễn ra vào ngày thứ Năm và thứ Sáu ở Washington

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trước khi bước vào vòng đàm phán thương mại được xem là đặc biệt quan trọng, cả Mỹ và Trung Quốc đều đưa ra những tuyên bố có tính chất "nắn gân" đối phương.

Phát biểu tại một cuộc vận động ủng hộ ở bang Florida vào ngày thứ Tư, Tổng thống Donald Trump cáo buộc Trung Quốc "phá thỏa thuận" trong khi đàm phán thương mại. Ông nói rằng lý do khiến ông đi đến quyết định nâng thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc vào ngày thứ Sáu tuần này nằm ở việc Trung Quốc thay đổi lập trường đàm phán.

"Các bạn có thấy thuế quan mà chúng ta sắp nâng lên không? Đó là bởi họ phá thỏa thuận", hãng tin CNBC dẫn lời ông Trump. "Ngày mai họ sẽ bay tới để đàm phán, nhưng họ đã phá thỏa thuận. Họ không thể làm thế được, họ sẽ phải trả giá".

Trước đó cùng ngày, ông Trump nói ông sẽ vui lòng với việc duy trì áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Một tuyên bố của Chính phủ Mỹ tái khẳng định việc nâng thuế quan áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên mức 25% từ 10%, bắt đầu từ 0h01 ngày thứ Sáu theo giờ Washington, đúng vào thời điểm giữa của hai ngày đàm phán thương mại Mỹ-Trung tại thủ đô của Mỹ.

Sau tuyên bố trên của Mỹ, Bắc Kinh tuyên bố sẽ trả đũa nếu bị Washington tăng thuế. "Phía Trung Quốc rất lấy làm tiếc rằng nếu thuế quan của Mỹ được nâng lên, Trung Quốc sẽ phải áp dụng các biện pháp đáp trả cần thiết", Bộ Thương mại Trung Quốc nói trên website, không công bố chi tiết cụ thể hơn.

Hôm thứ Tư, nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng Trung Quốc đã rút lại cam kết đã đưa ra trước đó với Mỹ trong hầu hết các lĩnh vực của một dự thảo thỏa thuận thương mại giữa hai bên. Động thái của Trung Quốc đã đặt đàm phán trước nguy cơ đổ vỡ và dẫn tới việc ông Trump ra lệnh tăng thuế quan, nguồn tin nói.

Ông Trump - người theo đuổi các chính sách bảo hộ mậu dịch như một phần trong chủ trương "Nước Mỹ trên hết" của ông - ngày thứ Tư cảnh báo Trung Quốc rằng sẽ là sai lầm nếu Bắc Kinh muốn trì hoãn một thỏa thuận để đợi tới lúc một Tổng thống Dân chủ lên cầm quyền ở Mỹ.

"Lý do khiến Trung Quốc rút lại cam kết và tìm cách đàm phán lại thỏa thuận thương mại là hy vọng rằng họ sẽ được đàm phán với ông Joe Biden hoặc một trong những người Dân chủ yếu ớt khác", vị Tổng thống Cộng hòa viết trên mạng xã hội Twitter.

Ông Biden, cựu Phó tổng thống Mỹ, đang là một trong những ứng cử viên sáng giá của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.

"Đoán gì nữa, điều đó sẽ không xảy ra! Trung Quốc mới báo tin cho chúng tôi rằng Phó thủ tướng của họ đang lên đường tới Mỹ để đạt thỏa thuận. Chúng ta hãy chờ xem, nhưng tôi rất vui với việc số tiền 100 tỷ USD mỗi năm từ thuế quan chảy vào quốc khố Mỹ", ông Trump viết.

Tại một cuộc họp báo, thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói chính quyền ông Trump đã nhận được một "tín hiệu" từ Trung Quốc rằng Bắc Kinh muốn một thỏa thuận.

Những thông tin trái chiều như trên được đưa ra trước giờ đàm phán khiến giới đầu tư "phập phồng" lo sợ và thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong phiên ngày thứ Tư.

Ông Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, nói rằng đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang ở vào một giai đoạn nhạy cảm và phụ thuộc nhiều vào việc Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ mang đề xuất thế nào đến Washington vào ngày thứ Năm và thứ Sáu.

"Tôi cho rằng chính quyền ông Trump rất nghiêm túc trong việc nâng thuế quan", hãng tin Reuters dẫn lời ông Kennedy. "Tôi không cho rằng ông Lưu Hạc nhất trí đến dự đàm phán nếu điều ông ấy muốn chỉ là cho nước Mỹ một bài học".