08:57 18/07/2007

Mỹ tụt hạng về chống tham nhũng

Trung Việt

Mỹ tụt hạng trong bảng xếp hạng về hiệu quả chống tham nhũng, trong khi châu Phi đã đạt được nhiều tiến bộ

Nạn tham nhũng toàn cầu đã làm thiệt hại khoảng 1.000 tỉ USD mỗi năm.
Nạn tham nhũng toàn cầu đã làm thiệt hại khoảng 1.000 tỉ USD mỗi năm.
Mỹ tụt hạng trong bảng xếp hạng về hiệu quả chống tham nhũng, trong khi châu Phi đã đạt được nhiều tiến bộ. Đó là điểm đáng chú ý trong Báo cáo về cuộc chiến chống tham nhũng trên toàn cầu mà Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố.

Theo báo cáo của WB, nạn tham nhũng toàn cầu đã làm thiệt hại khoảng 1.000 tỉ USD mỗi năm, gây thiệt hại chủ yếu cho những người nghèo. Báo cáo của WB đánh giá hiệu quả quản lý của chính quyền và cuộc chiến chống tham nhũng tại 212 nước trên thế giới trong thời gian từ năm 1996 - 2006.

Bộ máy công quyền hiệu quả hơn

Bảng xếp hạng của WB được thực hiện dựa trên các số liệu của 30 tổ chức trên thế giới, với 6 tiêu chí là tiếng nói và trách nhiệm công dân, ổn định chính trị và ít bạo lực, hiệu quả của bộ máy công quyền, chất lượng các quy chế, vận hành nhà nước pháp quyền và khả năng kiểm soát tham nhũng.

Kết quả cho thấy trong thời gian trên, một số nước châu Phi như Kenia, Nigeria, Niger, Siera Leon đã có những tiến bộ trong lĩnh vực tăng cường tiếng nói và trách nhiệm công dân; các nước như Angeri, Angola, Libi và Ruanda, tình trạng bạo lực đã có xu hướng giảm, trong khi đó Tanzania được đánh giá là nước có nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Báo cáo của WB nhấn mạnh, rất nhiều nước trong đó có các nước châu Phi đã chứng tỏ khả năng tăng cường hiệu quả của bộ máy công quyền trong thời gian tương đối ngắn. Nhiều nước đang phát triển còn được xếp hạng cao về hiệu quả của bộ máy công quyền hơn cả các nước công nghiệp hóa giàu có như Hy Lạp hoặc Italy.

Ba nước Phần Lan, Iceland, Đan Mạch lần lượt đứng đầu bảng xếp hạng về hiệu quả trong đấu tranh chống tham nhũng.

Công dân các nước Đan Mạch, Thụy Sĩ và Hà Lan được coi là những công dân có trách nhiệm và tiếng nói được chính quyền coi trọng nhất thế giới.

Các nước Đan Mạch, Singapore và Iceland có bộ máy công quyền được đánh giá là hiệu quả nhất.

Theo Liên hợp quốc, chỉ riêng châu Phi đã có hơn 400 triệu USD bị ăn cắp và tẩu tán ra nước ngoài. Tham nhũng ở cấp cao là một vấn đề liên quan đến phát triển, bởi nó làm suy giảm sự phát triển kinh tế và khiến cho những vấn đề quan trọng trở nên thiếu hiệu quả, như cuộc chiến chống đói nghèo.

Ở nhiều nơi trên thế giới, các quan chức tham nhũng ở cấp cao vơ vét cho đầy túi tham thay vì đầu tư cho phát triển, như xây dựng đường sá, trường học và bệnh viện mới.

Các tiêu chí chống tham nhũng của Mỹ vẫn giảm

Năm 2006, để chống tham nhũng ở cấp cao, Mỹ đã thực hiện chiến lược quốc gia nhằm quốc tế hóa nỗ lực chống tham nhũng ở cấp cao.

Chiến lược này đã đưa cuộc chiến chống tham nhũng ở cấp cao lên một tầm mới với sự tham gia của các đối tác nước ngoài và các cơ quan tài chính, nhằm đưa ra những biện pháp tốt nhất để phát hiện và tịch thu các quỹ đã bị lấy cắp, tăng cường chia sẻ thông tin và đảm bảo trách nhiệm lớn hơn đối với viện trợ phát triển.

Tổng thống Bush đã ra Tuyên bố 7750, trao cho Ngoại trưởng thẩm quyền pháp lý đặc biệt để xác định những người không được phép vào Mỹ do liên quan đến tham nhũng của công có ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia của Mỹ, bao gồm: hoạt động kinh tế quốc tế của các doanh nghiệp, những mục tiêu viện trợ nước ngoài của Mỹ...

Mỹ cũng đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế để truy tìm và thu hồi tài sản tham nhũng; ngăn không cho tài sản tham nhũng vào đất nước, tăng cường chia sẻ thông tin tài chính đáng nghi ngờ, khuyến khích và xây dựng mối quan hệ đối tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân...

Tuy nhiên, theo báo cáo về chống tham nhũng của WB, tại Mỹ, tất cả các tiêu chí về chống tham nhũng của Mỹ đều suy giảm. Nhiều quan chức cấp cao Mỹ vẫn nhận hối lộ, biển thủ quỹ công, bất chấp những nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ.

Ngày 11/7 vừa qua, Tòa án liên bang tại bang North Carolina, Mỹ đã kết án cựu Chủ tịch Hạ viện bang này là ông Jim Black với mức án 63 tháng tù giam, phải bồi thường 50.000 USD và 3 năm thử thách sau khi mãn hạn tù, do phạm tội tham nhũng 29.000 USD.

Để đối phó tốt hơn với nạn tham nhũng, ngày 11/7, tổ chức phi lợi nhuận Trace International có trụ sở tại Mỹ, đại diện cho các tập đoàn đa quốc gia, đã thành lập một trang web chuyên thu thập thông tin về những quan chức hay chính phủ trên thế giới nhận hối lộ.