Myanmar kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài rót vốn
Nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi của Myanmar ngày 28/1 kêu gọi giới đầu tư toàn cầu rót vốn vào nước này
Nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi của Myanmar ngày 28/1 kêu gọi giới đầu tư toàn cầu rót vốn vào nước này. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh tình hình đầu tư ở Myanmar chịu tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng người Rohingya và tốc độ cải cách kinh tế chậm chạp.
Theo tin từ Reuters, phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị đầu tư chính thức đầu tiên được chính quyền của bà tổ chức, bà Suu Kyi nhấn mạnh tiềm năng kinh tế, vị trí địa lý thuận lợi, thị trường rộng lớn và dân số trẻ của nước này. Bà cũng nêu bật một số cải cách mà Chính phủ của bà đã tiến hành kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016.
"Tôi có mặt ở đây để tái khẳng định cam kết của chúng tôi về tiếp tục cải cách và xây dựng một môi trường đầu tư thân thiện", bà Suu Kyi nói trong buổi lễ ở thủ đô Naypyitaw.
"Hãy đến với Myanmar, đất nước với nhiều cơ hội và tận mắt chứng kiến sự phát triển kinh tế năng động mới ở đây", nhà lãnh đạo phát biểu trước đám đông quan khách là các doanh nhân, quan chức ngoại giao và nhà báo.
Dù chưa đưa ra nhiều chi tiết về kế hoạch cải cách, hội nghị đầu tư này được đánh giá như tín hiệu về một sự dịch chuyển trong cách tiếp cận của Chính phủ Myanmar với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.
Cho đến nay, các nhà đầu tư đã phàn nàn nhiều rằng Chính phủ Myanmar chủ yếu tập trung vào việc chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang ở nước này mà bỏ qua các cải cách kinh tế - điều mà doanh nghiệp mong muốn.
Trong bài phát biểu của mình, bà Suu Kyi không nhắc đến cuộc khủng hoảng người Rohingya và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này đến môi trường đầu tư. Nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng phương Tây có thể tái áp một số biện pháp trừng phạt đã đã được sử dụng với Myanmar khi chính quyền quân sự còn cầm quyền ở nước này.
Khoảng 730.000 người Rohingya theo đạo Hồi được cho đã phải di cư từ bang Rakhine thuộc miền Tây Myanmar sang Bangladesh để tránh sự đàn áp của quân đội Myanmar từ năm 2017, sau khi người Rohingya nổi dậy tấn công vào các chốt kiểm soát an ninh.
Một báo cáo của Liên hiệp quốc cho rằng quân đội Myanmar đã sát hại hàng loạt người Rohingya, với "ý định diệt tộc" và kêu gọi truy tố các tướng quân đội cấp cao của nước này. Tuy nhiên, Myanmar đã phủ nhận những cáo buộc như vậy.
Năm ngoái, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói rằng các dữ liệu mà tổ chức này thu thập được cho thấy một số nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu trì hoãn dự án ở Myanmar để chờ tình hình khủng hoảng người Rohingya.
Liên minh châu Âu (EU) hiện đang cân nhắc áp các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Myanmar vì vấn đề người Rohingya, trong đó có khả năng tước quyền tiếp cận phi thuế quan đối với hàng hóa Myanmar vào khối này. Chịu sự trừng phạt như vậy có thể bao gồm những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Myanmar như dệt may.
Tháng trước, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Myamar trong tài khóa 2018-2019 chỉ đạt 6,2%, giảm từ 6,8% trong tài khóa trước, trên cơ sở "nhiều rủi ro suy giảm tăng trưởng, trong đó có cuộc khủng hoảng ở Rakhine".
Gần đây, giới đầu tư khen ngợi việc Chính phủ Myanmar bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính mới, ông Soe Win, một người có hiểu biết sâu rộng về tài chính quốc tế. Ngoài ra, Chính phủ Myanmar cũng tiếp tục cải cách khung pháp lý cho đầu tư và việc mở công ty, dỡ bỏ một số hạn chế đầu tư có từ thời chính quyền quân sự, và mở một ngân hàng dự án mà nước này muốn thực hiện.