Năm Kỷ Hợi: Việt Nam bước vào thời kỳ thịnh vượng mới
Tết Kỷ Hợi ây là cái Tết đầu tiên được nghỉ dài ngày nhất, hiện đại văn minh nhất, sang giầu nhất của người Việt Nam
Mùa xuân năm nay đến sớm, đất nước Việt Nam tràn ngập những niềm vui lớn. Cùng với những thành tựu kinh tế, GDP tăng trưởng hơn 7%, kim ngạch xuất nhập khẩu trên 480 tỷ USD, nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ văn hóa, thể thao, du lịch... cũng tạo được những thành công ấn tượng, đặc biệt là đội tuyển bóng đá nam lần thứ hai đoạt chức vô địch cúp AFF, đội U23 giành giải nhì châu Á đã trở thành sự kiện lịch sử, thu hút hàng chục triệu người với cờ đỏ sao vàng ngập tràn khắp các nẻo đường đất nước, reo hò vui sướng khiến thế giới không ngừng ngạc nhiên nể phục.
Phải chăng đây chính là cuộc biểu dương sức mạnh của lòng yêu nước, sức mạnh của sự đoàn kết mà chỉ có bóng đá hiện đại mới tạo nên được khi nền kinh tế phát triển vững chắc, cuộc sống đã thực sự no ấm yên bình. Hầu hết các nhà báo thể thao, kinh tế nổi tiếng của châu Á, châu Âu đều giành những lời tốt đẹp cho tầm vóc mới của nền kinh tế và thể thao Việt Nam sau hơn 32 năm đổi mới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Bóng đá không chỉ là đá bóng mà còn là sức mạnh của niềm tin và lòng yêu nước, tự hào.
Năm đổi mới cách nghĩ, cách làm
Kinh tế Việt Nam có được vị thế như hôm nay chính nhờ sức mạnh niềm tin, đoàn kết, kiến tạo đầy tự hào của cả dân tộc Việt Nam.
Bước vào năm Kỷ Hợi 2019 dù có nhiều khó khăn thách thức từ quan hệ thương mại mới, nhưng dư địa cho đà tăng trưởng vẫn còn rất lớn và tiếp tục được đầu tư hiệu quả, Việt Nam đang khiêm tốn bước vào thời kỳ thịnh vượng mới, kiến tạo những mùa xuân hiện đại.
Kinh tế phát triển tạo điều kiện cho mọi lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hóa thể thao, y tế, giáo dục, du lịch... phát triển và ngược lại. Đó là mối quan hệ tất yếu và đều cần sự kiến tạo đầu tư thông minh hiệu quả. Nhưng nếu chỉ gây dựng được niềm tin mà không nỗ lực quyết liệt chống tham nhũng, lãng phí, không thực hiện tốt công bằng xã hội, không thay đổi cách nghĩ cách làm không quan tâm đào tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao... thì kinh tế cũng tụt hậu, thể thao và các ngành cũng tụt hậu.
Cùng với những lợi thế về địa lý, tài nguyên, nguồn nhân lực, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện những quyết sách đúng đắn trong đổi mới thể chế, sửa đổi luật, cải cách các thủ tục, đổi mới công nghệ, đổi mới cách nghĩ, cách làm mang tầm vĩ mô khoa học hiện đại với sự khiêm tốn, cầu thị học hỏi kinh nghiệm, kịp thời sửa chữa những thiếu sót trong tổ chức quản lý, đưa Cách mạng công nghiệp 4.0 và logistics đi vào mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh và quản lý xã hội.
Đặc biệt sự quyết liệt trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, bảo đảm sự công bằng trong sản xuất kinh doanh, coi trọng kinh tế tư nhân với phương châm kiến tạo, lập nghiệp vì hạnh phúc của nhân dân đã khai thác thêm nhiều năng lực tiềm tàng tạo thêm hàng triệu việc làm mới.
Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam gần đạt mốc 500 tỷ USD.
Chính phủ đã kịp thời điều chỉnh cơ cấu tăng trưởng khi những ngành khai thác tài nguyên giảm, tích cực đầu tư ưu tiên cho phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, hỗ trợ, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, đưa nông lâm hải sản và nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng nhanh chiếm thị phần khá lớn ở các nước phát triển, đáng kể như hàng điện tử, rau hoa quả, tôm cá, may mặc... với 36 mặt hàng xuất khẩu đạt trên một tỷ USD, chiếm 90,3% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 ước đạt 244,7 tỷ USD, tăng trên 13,34%, xuất siêu 7,2 tỷ USD.
Cùng với sự ổn định về chính trị, an ninh, sự ổn định của kinh tế vĩ mô đã góp phần kiềm chế lạm phát, chỉ số CPI dưới 4%, tăng trưởng kinh tế trên 7% là kết quả đáng kích lệ từ sự điều hành năng động, quyết liệt của chính phủ.
Kiến tạo những mùa xuân 4.0 văn minh thịnh vượng
Năm Kỷ Hợi 2019, Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,6-6,8%, chỉ số giá tiêu dùng 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%, nhập siêu dưới 3%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 33-34%.
Ngoại trừ chỉ tiêu nhập siêu, các chỉ tiêu đều thấp hơn so với thực hiện năm 2018 là vì Quốc hội nhận định những diễn biến chiến tranh thương mại giữa các nước lớn sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam và nhiều khó khăn khi thực hiện những Hiệp định thương mại tự do mới, đòi hỏi Chính phủ phải có những nỗ lực sáng tạo, quyết liệt trong điều hành mới có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, khác với dự báo tăng trưởng giảm dần từ 2019-2020, Trung tâm thông tin & dự báo kinh tế (NCIF) đã đưa ra dự báo tăng trưởng sẽ đạt 6,9-7,1%, phù hơp với nhận định mới nhất của nhiều chuyên gia kinh tế thế giới khi đưa ra những thuận lợi mới cho nước ta.
Đó là Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, nỗ lực đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động đưa Cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi lĩnh vưc, phát triển hợp lý và hiệu quả logistisc, phát triển có chất lượng công nghiệp hỗ trợ, áp dụng những biện pháp tích cực để bình ổn giá, giảm giá thành sản phẩm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn từ thị trường chứng khoán và các nguồn góp vốn trong dân.
Công cuộc chống tham nhũng quyết liệt cùng những cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, bãi bỏ hàng ngàn quy định lỗi thời đã góp phần giải phóng sức sản xuất kinh doanh tạo thêm niềm tin cho dân chúng cùng các nhà đầu tư và bạn hàng thế giới khi bước vào năm mới.
Cùng với một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và đang đàm phán ký kết trong đó có hiệp định với EU, Việt Nam đã là thành viên có GDP thấp nhất trong 11 thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) có hiệu lực từ đầu năm 2019, sẽ lần lượt giảm thuế 100% mặt hàng về 0% giúp tăng doanh thu xuất khẩu cùng nhiều lợi thế tăng trưởng và hợp tác về khoa học công nghệ, văn hóa xã hội, thể thao, du lịch, nhất là thu hút đầu tư FDI mới khi đối đầu thương mại Mỹ-Trung trở nên gay gắt, nhiều tập đoàn lớn đã và đang chọn địa điểm Việt Nam với những phương thức dễ chịu. Tập đoàn Samsung mong muốn các công xưởng của mình tại Việt Nam được coi là doanh nghiệp Việt Nam.
Xuất khẩu Việt Nam hiện còn dựa vào FDI quá nhiều, chiếm đến gần 70% và phụ thuộc nguyên liệu từ Trung Quốc cũng rất lớn, nếu không có những biện pháp đột phá mang tính chiến lược thì sự phụ thuộc vào vốn, công nghệ, nguyên vật liệu nước ngoài không chỉ bị o bế về kinh tế mà còn cả chính trị.
Bài học từ công cuộc đổi mới, thực hiện kinh tế thị trường trong thể chế xã hội chủ nghĩa tuy còn bộc lộ những bất cập nhưng đã giúp Việt Nam nhiều bài học quý báu, biết kịp thời điều tiết, sửa chữa, mềm dẻo dung hòa, nhưng không nhân nhượng những điều cốt lõi. Tuyên bố chung của Hội Nghị thượng đinh khối APEC cuối năm 2017 tại Việt Nam đã chứng minh sự chu đáo, sáng tạo khéo léo của Việt Nam khiến các vị nguyên thủ quốc gia đều hài lòng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nhiều vị nguyên thủ quốc gia đã chúc mừng những thành tựu mới của Việt Nam, đặt niềm tin lớn vào sự thịnh vượng mới. Chúng ta bước vào năm mới Kỷ Hợi 2019 với nhiều niềm vui lớn, nhưng cũng nhận thức được những khó khăn khốc liệt cần phải sớm hoạch định những sách lược sáng tạo hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Trước hết cần phải xử lý ngay những tồn tại vướng mắc, tháo các điểm nghẽn cản trở đà tăng trưởng; phải thực sự coi khoa học công nghệ là động lực đột phá quan trọng, tạo điều kiện tốt nhất cho khu vực kinh tế tư nhân bứt phá nhanh, đầu tư phát triển xã hội toàn diện hơn.
Chính phủ quyết định sẽ xây dựng một Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam theo mô hình Singapore để phát huy mọi tài năng, mọi ý tưởng sáng tạo tốt đẹp. Thủ đô Hà Nội cũng đặt mục tiêu trở thành Kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á với sự phối hợp của UNESCO xây dượng những lộ trình kết nối các thành phố sáng tạo toàn cầu. Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cùng các khu công nghiệp đều có những bước đi mạnh mẽ đổi mới công nghệ, kiện toàn tổ chức, điều hành theo tinh thần đưa Cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi lĩnh vực,
Việt Nam đang được coi là quốc gia phát triển công nghệ thông tin nhanh vào bậc nhất, Internet, điện thoại thông minh, mua bán điện tử, ví điện tử, thẻ ATM... đang làm thay đổi đời sống của người Việt Nam trên chặng đường hiện đại văn minh. Theo Công ty tư vấn Solidiance dự báo thị trường công nghệ tài chính của Việt Nam đang tăng nhanh, năm 2019 có thể đạt trên 7-8 tỷ USD.
Có lẽ đây là cái Tết đầu tiên được nghỉ dài ngày nhất, hiện đại văn minh nhất, sang giầu nhất của người Việt Nam.