Năm nay phải giảm 50% điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra hàng hóa
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương cần tiếp tục tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh trong 2018
Trong năm 2018, các bộ ngành, địa phương phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; thường xuyên tổ chức đối thoại chính sách với doanh nghiệp, kịp thời xử lý những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.
Đó là một trong những nội dụng đáng chú ý tại Nghị quyết số 138/NQ-CP của phiên họp Chính phủ với các địa phương, vừa được Thủ tướng ký ban hành.
Tại nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương không chủ quan, khẩn trương khắc phục hạn chế, yếu kém; tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức; tiếp tục đoàn kết, nhất trí, đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo, quyết tâm hành động, xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, trong sạch, liêm chính.
Nỗ lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp ngay từ những ngày đầu năm, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và 5 năm 2016 - 2020.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương cần tiếp tục tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh, chú trọng thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ các chỉ số còn dư địa, thấp điểm, thấp hạng; thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn thuộc phạm vi quản lý, quyết tâm phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN - 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.
Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể.
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, xây dựng kế hoạch, xác định rõ tiến độ thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập của quy định pháp luật hiện hành liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội; không để xảy ra tình trạng xin rút, xin lùi, nợ đọng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong chương trình.
Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương phải đổi mới công tác đối thoại, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về các vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật; chủ động gửi các phản ánh, kiến nghị về bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành để xử lý theo thẩm quyền, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp.
Các cơ quan hành chính nhà cắt giảm các cuộc họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo không cần thiết; tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh và giảm chi phí cho doanh nghiệp; xem xét, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, chấn chỉnh hành vi nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Phấn đấu đến cuối năm 2018, 100% các đơn vị thuộc bộ, ngành Trung ương, UBND cấp tỉnh giải quyết, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; tập trung triển khai có hiệu quả hệ thống thông tin một cửa điện tử tại các bộ, ngành, địa phương.