Nâng thương mại song phương Việt Nam – Thái Lan lên 25 tỷ USD vào năm 2025.
Giai đoạn 2022-2027, Thái Lan và Việt Nam đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác về kinh tế, hai bên cũng cam kết tăng cường hoạt động thương mại qua biên giới bằng đường bộ, đường biển, đường hàng không và phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan (ThaiCham) nhằm xúc tiến việc nâng kim ngạch thương mại song phương lên 25 tỷ USD vào năm 2025…
Nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Thái Lan và Việt Nam, chiều 17/5/2023, Đại sứ quán Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Kết nối chuỗi cung ứng”.
Sự kiện được diễn ra tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, với sự góp mặt của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng Thái Lan, lãnh đạo Học viện Ngoại giao Việt Nam cùng một số chuyên gia nhằm chia sẻ các hoạt động tiêu biểu và có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam.
ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TĂNG CƯỜNG
Ngài Nikorndej Balankura, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam cho biết Việt Nam và Thái Lan là hai nước đầu tiên trong ASEAN nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược vào năm 2013 và hiện nay vẫn là hai nước duy nhất trong khu vực nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược tăng cường.
Về hợp tác kinh tế, theo Ngài Nikorndej Balankura, Việt Nam và Thái Lan là đối tác số 1 trong ASEAN. Thái Lan đang xếp vị trí thứ 9 trong số các quốc gia và lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
“Thái Lan có thể thăng hạng lên top 5 quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất trong vài năm tới, bởi vì kim ngạch thương mại song phương trong những năm gần đây liên tục tăng. Đặc biệt, từ khi Việt Nam công bố việc thực hiện cam kết “Net Zero” đến năm 2050 tại hội nghị COP26 khiến cho các chính sách của Việt Nam hướng đến thu hút đầu tư xanh và năng lượng tái tạo", Ngài Nikorndej Balankura tin tưởng, đồng thời cho rằng điều này phù hợp với mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh của Thái Lan.
Triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giai đoạn 2022-2027, Đại sứ Thái Lan cho biết hai nước đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa cảnh sát biển Việt Nam và Trung tâm chỉ huy hàng hải Thái Lan (THAI-MECC) về việc dẫn độ tội phạm. Hai bên cũng cam kết tăng cường hoạt động thương mại qua biên giới cả đường bộ, đường biển và đường hàng không và phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan (ThaiCham) nhằm xúc tiến việc nâng kim ngạch thương mại song phương lên 25 tỷ USD vào năm 2025.
"Về đầu tư, sẽ tăng cường đầu tư các dự án năng lượng tái tạo do các công ty lớn về năng lượng của Thái hiện có mặt tại Việt Nam, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam sang làm ăn ở Thái Lan. Trong đó, đại sứ quán Thái Lan sẽ mời các doanh nghiệp Việt Nam sang tìm hiểu về cơ hội đầu tư tại Thái Lan".
Ngài Nikorndej Balankura, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam.
Năm 2023, Việt Nam và Thái Lan đều hướng tới phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 và sẵn sàng hợp tác để cùng phát triển.
"Việt Nam sẽ còn tiến xa mốc tăng trưởng của năm 2022. Với việc mở cửa hoàn toàn trở lại và các hoạt động hợp tác sôi nổi nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan, cả hai nước sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư”, Đại sứ Thái Lan tin tưởng.
Đại sứ Thái Lan cũng giới thiệu bà Khun Jareeporn Jarukornsakul, Chủ tịch Ủy ban Điều hành kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn WHA Corporation PCL, với tư cách là diễn giả đầu tiên trình bày tham luận tại hội thảo.
“Khun Jareeporn là một trong những nhân vật kinh doanh nổi tiếng ở Thái Lan và cô ấy sẽ chia sẻ với chúng ta những hiểu biết của mình về “Kết nối chuỗi cung ứng” dựa trên chuyên môn và kinh nghiệm của Tập đoàn WHA. Tập đoàn WHA là một trong những công ty hàng đầu của Thái Lan và Đông Nam Á về các giải pháp cơ sở công nghiệp và hậu cần tích hợp đầy đủ, đồng thời là nhân tố chính trong sự phát triển của Hành lang kinh tế phía Đông (EEC) của chúng tôi”, Ngài Nikorndej Balankura thông tin.
WHA TRIỂN KHAI NHIỀU DỰ ÁN XÂY DỰNG KHU CÔNG NGHIỆP TẠI VIỆT NAM
Bà Jareeporn Jarukornsakul, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn của WHA Corporation PCL, cho biết Tập đoàn WHA là một trong những nhà phát triển dịch vụ hậu cần, khu công nghiệp, năng lượng và giải pháp kỹ thuật số hàng đầu của Thái Lan và Đông Nam Á, đồng thời là đơn vị chủ chốt trong Hành lang Kinh tế phía Đông Thái Lan (EEC).
Với sự thành công trong hơn 30 năm hoạt động tại thị trường Thái Lan và trong khái niệm Khu công nghiệp sinh thái thông minh, Tập đoàn WHA đã mở rộng sang thị trường Việt Nam vào năm 2017 tại tỉnh Nghệ An nhằm phát triển Khu Công nghiệp WHA 1 – Nghệ An, một khu công nghiệp tích hợp đẳng cấp thế giới với tiêu chuẩn cấp cao về hệ thống hạ tầng, tiện ích và thân thiện với môi trường.
Hiện tại, Khu Công nghiệp WHA 1 – Nghệ An giai đoạn 1 (diện tích 145 hécta) đã hoàn thành việc cho thuê 77% diện tích đất công nghiệp cho các khách hàng từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực từ chế biến thực phẩm, phụ tùng ô tô, năng lượng mặt trời, vật liệu xây dựng đến thiết bị điện tử.
Hiện Tập đoàn này đã bắt đầu xây dựng giai đoạn 2 (diện tích 355 ha) vào tháng 3/2022 và đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đáp ứng nhu cầu cao và sử dụng đất công nghiệp lâu dài của khách hàng. Khi giai đoạn 1 và 2 của dự án hoàn thành, kết hợp các giai đoạn mở rộng tiếp theo, Khu Công nghiệp WHA 1 – Nghệ An sẽ có tổng diện tích 2100 ha.
“Chúng tôi cũng đặt mục tiêu mở rộng dấu ấn của mình tại Việt Nam trong các lĩnh vực kinh doanh khác như tiện ích, năng lượng, bất động sản hậu cần, mô hình cho thuê cơ sở xây sẵn hoặc xây dựng theo yêu cầu… nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước”.
Bà Jareeporn Jarukornsakul, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn WHA Corporation PCL.
Ngoài ra, Tập đoàn WHA đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) với chính quyền địa phương để phát triển thêm hai khu công nghiệp tại Việt Nam.
Một là, Khu công nghiệp công nghệ thông minh WHA – Thanh Hóa, diện tích hơn 500 ha tại tỉnh Thanh Hóa, dự kiến triển khai xây dựng vào năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Hai là, Khu công nghiệp sinh thái thông minh WHA – Quảng Nam, diện tích 400 ha, nằm tại khu vực miền trung giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi. Dự án dự kiến được phê duyệt giấy phép vào năm 2026 hoặc năm 2027 và sẽ triển khai xây dựng ngay sau đó.
Bà Jareeporn Jarukornsakul cũng nhấn mạnh về các xu hướng toàn cầu và trong khu vực đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi chuỗi cung ứng. Bao gồm các yếu tố thúc đẩy vĩ mô và địa chính trị, các sáng kiến kết nối khu vực quy mô lớn, vận tải và hậu cần xanh, số hóa và công nghệ trong thời kì công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, bà Jareeporn cũng sẽ chia sẻ những hiểu biết của mình trong việc kết nối Thái Lan và Việt Nam cũng như các hoạt động và mục tiêu của Tập đoàn trong việc mở rộng sự hiện diện của tổ chức này tại Việt Nam.