09:43 23/12/2020

Nếu chảy máu cam liên tục, cảnh giác u xơ vòm mũi họng

Hoài Phương

Chảy máu mũi do nhiều nguyên nhân, có thể do nguyên nhân tại chỗ như viêm mũi xoang cấp, dị vật mũi, chảy máu mũi do chấn thương hoặc sau phẫu thuật tai mũi họng – hàm mặt, do khối u lành tính như polyp mũi thể chảy máu, u xơ vòm mũi họng…, do khối u ác tính như ung thư vòm họng, u ác tính ở mũi… Ngoài ra, chảy máu mũi cũng có thể do nguyên nhân toàn thân như bệnh nhiễm khuẩn ký sinh trùng, bệnh về máu, bệnh tim mạch.
Tuy nhiên nếu hay chảy thường xuyên có thể là dấu hiệu của bệnh u xơ vòm mũi họng. U xơ vòm mũi họng thường gặp ở trẻ trai từ độ tuổi 6 - 15.Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, bệnh viện mới điều trị cho một bé trai 13 tuổi (ngụ Tây Ninh) bị chảy máu mũi tái phát nhiều lần. Khi nhập viện, bệnh nhi trong tình trạng niêm mạc nhợt nhạt, môi hồng, chảy máu mũi trái khó cầm, mỗi lần trên 30 phút.Phát hiện bé bị u xơ vòm mũi họng, các bác sĩ đã thực hiện mổ nội soi và phương pháp tắc mạch. Đây là một trong những phương pháp mới được bệnh viện áp dụng mổ u xơ vòm mũi họng trong hơn 1 năm qua, giúp tỷ lệ tái phát từ 24% xuống còn 0%.Bác sĩ BS CKII Nguyễn Tuấn Như, Trưởng Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bé bị chảy máu mũi hơn 1 năm nhưng tại bệnh viện địa phương, bé được chẩn đoán viêm mũi, chảy máu mũi. Chỉ đến khi máu chảy hơn 30 phút khó cầm, gia đình mới cho bé lên bệnh viện tuyến trên thăm khám.Sau khi nhập viện, bé được hút sạch máu cũ trong mũi, phát hiện 1 khối u trắng đục bên mũi trái. Các bác sĩ đã xử trí nhét mecrocel cầm máu và tiếp tục chụp CT phát hiện khối u ăn ra phía ngoài chân bướm vùng hàm mặt, ăn lan ra tai phải. Sau quá trình hội chẩn, các bác sĩ quyết định, đầu tiên cần tắc mạch để ngăn máu nuôi khối u. Phương pháp này được bác sĩ thực hiện bằng cách đưa dây dẫn từ bẹn bên tay trái đi theo mạch máu lớn qua tim đến cổ để tiếp cận tắc mạch khối u.Theo bác sĩ Như, trước đây, thực hiện phương pháp mổ hở sẽ khiến bệnh nhi mất 1 - 1,5 lít máu. Tuy nhiên, khi thực hiện tắc mạch để mổ nội soi, bệnh nhi chỉ mất khoảng 300 ml máu. Sau 1 tuần tắc mạch, bé trai được thực hiện mổ nội soi và bóc tách toàn bộ khối u dài 12 cm. Hiện bé đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.
Nếu chảy máu cam liên tục, cảnh giác u xơ vòm mũi họng - Ảnh 1.
Mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị từ 10 tới 15 ca u xơ vòm mũi họng. Khoảng 90% khối u vòm mũi họng xảy ra ở bé trai và thường khởi phát ở tuổi dậy thì. Trong đó, khoảng 20% khối u có chân bám lan vào nội sọ gây biến chứng xa.Triệu chứng ban đầu của u xơ vòm mũi họng là ngạt, chảy nước mũi, kèm theo lợn cợn máu. Sau đó thường xuyên chảy máu mũi một hoặc cả hai bên và chảy đi chảy lại nhiều lần, có thể chảy với lượng nhiều trong một lần. Ngoài ra, còn có những triệu chứng khác như: đau đầu, giảm khứu hay mất hẳn khứu giác, tai đau, mắt lồi…U xơ vòm mũi họng là một khối u lành tính nhưng có khả năng lan rất nhanh, lan vào các hốc mũi, xoang mặt, lan xuống vùng họng, miệng, vào hốc mắt. Hiện tượng chảy máu mũi nặng sẽ kèm theo nhiễm trùng. Tình trạng này ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân của bệnh nhân, gây thiếu ôxy, thiếu máu, kém ăn, mất ngủ, làm cho bệnh nhân gầy gò, xanh xao.Mặc dù đây là u lành tính nhưng nếu người bệnh chảy máu nhiều, thường xuyên mà không biết cách cầm máu, hồi sức hoặc khi u lan vào nền sọ, bệnh nhân sẽ gặp các biến chứng nặng, có thể dẫn đến tử vong. Điều trị u xơ vòm mũi họng cần được tiến hành sớm, nếu khối u còn nhỏ, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi để cắt bỏ u một cách dễ dàng, nguy cơ chảy máu rất ít. Do vậy, để hạn chế u lan nhanh và tránh biến chứng, khi thấy có dấu hiệu chảy máu mũi nhiều lần số lượng máu chảy ngày càng lớn cần đưa ngay người bệnh đến chuyên khoa tai – mũi – họng để khám và điều trị sớm.