“Nếu người giỏi hơn vẫn đang làm việc thì sao mình được phép dừng lại”
Những chia sẻ về thành công và những khó khăn mà một nữ doanh nhân nữ phải vượt qua đã thu hút sự chú ý tại Women's Summit 2019 do Forbes Việt Nam tổ chức
Chia sẻ tại Women's Summit 2019 do Forbes Việt Nam tổ chức vừa diễn ra, Trần Phương My - Nhà sáng lập và Giám đốc sáng tạo thương hiệu Phương My và My My cho rằng, nếu người giỏi hơn mình vẫn đang làm việc thì làm sao mình cho phép bản thân dừng lại.
"Không cho phép bản thân dừng lại"
"Bởi ngày hôm nay mình muốn có gì thì ngày mai mình sẽ có cái đó, trong cuộc sống không có gì là hoàn hảo, mỗi giai đoạn cuộc sống phải biết mình muốn có gì và ngày mai phải đạt được gì để hi vọng có thể đạt được nó. Mình không bao giờ nghĩ đang đứng trên đỉnh núi hết, dù là 17 tiệm hay 100 tiệm thì không bao giờ là trên đỉnh cả, vì đứng trên đỉnh thì chỉ đi xuống thôi, mỗi ngày phải trang bị cho bản thân mình là người leo núi, phải biết bản thân muốn gì và quyết liệt theo đuổi", My nói.
Tiết lộ bản thân là người quyết liệt và luôn hết mình với công việc, Trần Phương My nói: "My có thể làm 16-18h mỗi ngày. Khi có người hỏi bí quyết để thành công thì My chỉ nói là phải ngủ ít đi thôi. Nếu như người ta làm 8h mỗi ngày và vẫn đi trước mình, để mình theo kịp thì bắt buộc mình phải làm 16h mỗi ngày. Nếu người giỏi hơn mình vẫn đang làm việc thì làm sao mình cho phép bản thân mình dừng lại".
Là người đứng đầu một thương hiệu thời trang, chủ một doanh nghiệp, Phương My chia sẻ: "My luôn nói về giỏi và bền bỉ, nhiều nhân sự vào công ty và bạn đó giỏi vượt trội nhưng vấn đề với người giỏi là họ có sự tự tin nhất định nhưng họ thường lười, người giỏi nhất chưa chắc đã về đích, bền bỉ cho mình đi được xa. Đam mê cũng vậy, dĩ nhiên khi bước vào nghề gì đó cần có đam mê nhưng đam mê không cho ta đi tới cuối ngày mà My nghĩ cần sự bền bỉ, nỗ lực mỗi ngày mới có thể thành công".
"My may mắn vì đằng sau có nhiều con người, họ không chỉ là người hỗ trợ mà còn là động lực bắt buộc mình đi tới mỗi ngày. Tại mỗi bữa tiệc cuối năm của công ty, họ mang con cái đến, nhìn vào đó để thấy, quyết định ảnh hưởng tới rất nhiều người. Dĩ nhiên tuổi trẻ cho phép mình bồng bột, thử thách nhưng khi quyết định của mình ảnh hưởng tới rất nhiều con người đứng sau mình thì mình phải có sự chín chắn. My chỉ có 1 điều nhắn nhủ cho người trẻ và cho bản thân mỗi ngày: Nếu tất cả những người thành công hơn mình, giỏi hơn mình vẫn đi làm mỗi ngày thì điều gì cho phép bản thân mình dừng lại?", nữ giám đốc sáng tạo trẻ nhấn mạnh.
Đổi mới là động lực để thành công
Không dừng lại ở "bí quyết", ở thế hệ doanh nhân đi trước, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc của REE lại nói về "động lực" để thành công.
"Sau 10 năm phát triển REE, đôi khi tôi cảm thấy mô hình kinh doanh công ty không còn mới mẻ và nói với nhân viên của mình: ‘Hãy làm gì mới đi chứ!’ Và đó chính là câu hỏi đã đưa REE trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam cổ phần hóa, nhận đầu tư từ nước ngoài, sau đó bước chân lên sàn chứng khoán và đem lại lợi nhuận cho cổ đông", bà Nguyễn Thị Mai Thanh nói.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch của Deloitte Việt Nam chỉ ra hình ảnh "giọt nước" của Hội nghị năm nay quả thực rất tương đồng với người phụ nữ: cả hai đều vô cùng mềm mại nhưng bền bỉ, và với bà "nước chảy đá mòn và có thể mài sắt thành kim".
Đồng tình với bà Nguyễn Thị Mai Thanh, bà Hà Thu Thanh cũng nhìn nhận tầm quan trọng của tư tưởng dám thay đổi, đặc biệt trong ngành kiểm toán mà bà đã có nhiều năm gắn bó. "Chúng tôi là những chuyên gia với kiến thức chuyên sâu. Mà kiến thức thì luôn cập nhật, vậy nên chúng tôi luôn phải thay đổi", bà Thanh nhấn mạnh.
"Không ai thức dậy và nghĩ mình là một người phụ nữ đi làm"
Làm việc trong môi trường vốn là nam giới chiếm tỷ lệ lớn như đầu tư, bà Hyunjoo Je - Tổng giám đốc của Yellow Dog, một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động mạnh tại Hàn Quốc, chia sẻ: "Khi làm việc một mình tôi không nghĩ nhiều về giới tính, không ai thức dậy buổi sáng mà nghĩ mình là một người phụ nữ đi làm bởi vì mỗi người có hệ giá trị riêng mình. Khi bắt đầu sự nghiệp trong giới đầu tư, trong nhiều buổi họp tôi thường là người phụ nữ duy nhất trong các buổi đó nhưng tôi bao giờ xem điều đó là quan trọng. Tôi chỉ tập trung vào công việc và vai trò của mình".
"Muốn thành công trong công việc hãy làm việc với tư cách con người xã hội. Tôi cũng nhận ra, trong lĩnh vực tôi đang làm việc có nhiều phụ nữ làm cùng. Tôi không muốn đưa ra nhận định chung nhưng tôi thấy phụ nữ làm rất tốt công việc liên quan đến xã hội và con người. Đó là lĩnh vực có thể tận dụng được thế mạnh của phụ nữ, từ đó có xác lập giá trị độc đáo của phụ nữ trong lĩnh vực đầu tư", bà Hyunjo Je nói.
Bà Nguyễn Anh Tuyền, Tổng giám đốc Sanofi Việt Nam, một công ty dược phẩm lớn hiện nay, nói rằng gia đình hạnh phúc là nền tảng quan trọng đối với người phụ nữ. Một người phụ nữ thành công thì đằng sau đó là một gia đình hạnh phúc.
"Làm vợ làm mẹ vẫn là thiên chức của người phụ nữ, đó là niềm hạnh phúc mà không nên từ bỏ, đặc biệt với phụ nữ Á Đông. Nam giới chỉ cần tập trung công việc, còn với nữ giới khi thành công trong xã hội thì đồng nghĩa trong gia đình mọi việc đều ổn thỏa. Thực tế cho thấy ở lãnh đạo cấp trung thì không có sự khoảng cách giữa nam và nữ nhưng khi tiến lên vị trí cấp cao thì phụ nữ thường tụt lại, nữ CEO cho hay.
Bà Tuyền cũng nói thêm, công việc và cuộc sống là một khối hòa quyện. Khi mình được làm công việc mình yêu thích thì không còn là khó khăn nữa thì lúc đó mình lựa chọn những điều quan trọng trong công việc và cuộc sống để làm và phần còn lại chấp nhận phân quyền hoặc đơn giản hóa.