Nga giải thích lý do mua mạnh vàng dự trữ
Mấy năm gần đây, Ngân hàng Trung ương Nga liên tục gom vàng cho dự trữ quốc gia
Mấy năm gần đây, Ngân hàng Trung ương Nga liên tục gom vàng cho dự trữ quốc gia. Vậy đâu là nguyên nhân phía sau chiến lược này?
Theo hãng tin CNBC, năm ngoái, Nga đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia có dự trữ vàng lớn thứ 5 trên thế giới. Trong năm 2018, Ngân hàng Trung ương Nga mua ròng 8,8 triệu ounce vàng, phá vỡ kỷ lục mua 7,2 triệu ounce vàng trong năm 2017.
Dữ liệu gần đây cho thấy hoạt động gom vàng dự trữ của Moscow vẫn chưa dừng lại.
Một số chuyên gia đồn đoán rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân phía sau việc Nga gia tăng dự trữ vàng, bởi vàng không chỉ là một "vịnh tránh bão" truyền thống mà còn là mặt hàng được loại trừ khỏi bất kỳ khả năng trừng phạt nào.
Một số khác thì nói Nga muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, hoặc muốn giảm nắm giữ đồng Euro và đồng Bảng Anh - hai đồng tiền có giá trị biến động do ảnh hưởng chính sách nới lỏng và việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Tuy nhiên, trái với những đồn đoán này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina nói rằng việc Nga gom vàng dự trữ là do mong muốn đa dạng hóa danh mục tài sản trong dự trữ ngoại hối quốc gia.
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, bà Nabiullina nói đa dạng hóa là lý do chủ đạo dẫn tới việc Nga tăng dự trữ vàng, chứ không phải sự suy giảm niềm tin vào một đồng tiền cụ thể nào.
"Các bạn đang chứng kiến chúng tôi cố gắng đa dạng hóa thành phần dự trữ ngoại hối. Bởi vì chúng tôi tính đến tất cả mọi rủi ro, cả về mặt kinh tế và địa chính trị", bà Nabiullina phát biểu.
Giá vàng giao ngay tại thị trường New York chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu ở mức 1.287 USD/oz. Tuần này, giá vàng có thời điểm giảm về 1.265 USD/oz, thấp nhất trong gần 2 năm.
Giá kim loại quý này hiện đã giảm nhiều so với mức đỉnh 1.800 USD/oz thiết lập vào nửa đầu thập kỷ. Ở thời điểm đó, biện pháp nới lỏng định lượng mà các ngân hàng trung ương lớn triển khai nhằm bơm tiền mạnh vào nền kinh tế đã thổi bùng mối lo lạm phát tăng, khiến giá vàng tăng chóng mặt.
Nhưng đến năm 2013, giá vàng bắt đầu đuối dần trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hồi phục và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu cắt giảm các biện pháp kích cầu.
Theo dữ liệu mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), dự trữ vàng của Nga đạt 2.150,6 tấn vào thời điểm đầu tháng 4 này, chiếm 19,1% tổng dự trữ ngoại hối. Hãng tin Bloomberg nói rằng trong 1 thập kỷ trở lại đây, dự trữ vàng của Nga đã tăng gấp 4 lần.