16:51 09/07/2021

Ngân hàng "rượt đuổi" nhau tăng vốn điều lệ

Thuỷ Tiên

Các kế hoạch phát hành tăng vốn hàng nghìn tỷ đồng của khối ngân hàng đang dần rõ ràng hơn...

Ngân hàng đang thi nhau tăng vốn
Ngân hàng đang thi nhau tăng vốn

Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank - mã chứng khoán ABB) vừa nhận được công văn số 4963/NHNN-TTGSNH của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, vốn điều lệ của ABBank năm 2021 sẽ được phép tăng thêm hơn 3.696 tỷ đồng, tương ứng số cổ phần phát hành thêm là hơn 369,6 triệu cổ phần phổ thông. Tổng mức vốn điều lệ sau khi tăng là 9.409 tỷ đồng.

Theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, ABBank sẽ có 2 đợt tăng vốn, tổng cộng gần 65% so với mức vốn hiện hành. Đợt 1, ABBank phát hành 114.262.271 cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ phát hành 20%; và phát hành 11.426.227 cổ phần tương đương 2% vốn điều lệ cho cán bộ nhân viên theo Chương trình ESOP.

Đợt 2, ABBank sẽ tiến hành chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, nguồn sử dụng để phát hành cổ phiếu thưởng gồm 2.256 tỷ đồng được trích từ lợi nhuận chưa phân phối và 183 tỷ đồng trích từ Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, theo đó số cổ phần thưởng phát hành là 243.949.948 cổ phần phổ thông, tỷ lệ 35% trên số cổ phần sau tăng vốn đợt 1.

Theo ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch ABBank chia sẻ, qua đợt tăng vốn lần này, tiềm lực tài chính của ABBank được củng cố mạnh mẽ để phục vụ cho nhu cầu mở rộng kinh doanh theo kế hoạch chiến lược 5 năm 2021-2025 và đầu tư cho những dự án trọng điểm, trong đó có đẩy mạnh các ứng dụng nền tảng số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng.

"Sự đồng thuận cao của cổ đông trong tăng vốn điều lệ, trong đó có phát hành cổ phiếu thưởng thay cho cổ tức bằng tiền mặt cho thấy sự tin tưởng và kỳ vọng của cổ đông vào tiềm năng phát triển của ABBank trong giai đoạn tới", ông Kháng chia sẻ.

 
"Nếu không được bổ sung vốn điều lệ, nhóm này sẽ hạn chế khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thu hẹp thị phần, khó hiện thực hóa chỉ tiêu có ít nhất một đến 2 ngân hàng thương mại nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản khu vực châu Á theo chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng 2030 được Chính phủ phê duyệt".
Bà Nguyễn Thị Hồng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Trước ABBank, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân (NCB - mã chứng khoán NVB) được tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.500 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu.

Tương tự, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB - mã chứng khoán MBB) cũng vừa được chấp thuận tăng vốn điều lệ lần 1 thêm tối đa hơn 9.795 tỷ đồng qua việc chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 35% bằng cổ phiếu. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của MB sẽ tăng lên hơn 37.700 tỷ đồng. Hay mới đây, ACB cũng đã chốt danh sách cổ đông hưởng cổ tức 25% bằng cổ phiếu, nhà băng này tăng vốn hơn 5.400 tỷ đồng, lên 27.000 tỷ đồng.

Theo giới chuyên môn đánh giá, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng nhu cầu vay vốn hiện tại và sau dịch sẽ rất cao. Ngoài vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp sau dịch còn có nhu cầu vay xử lý thanh khoản, trả nợ lương, thuê mặt bằng, trả tiền hàng cho nhà cung cấp… Do đó, ngân hàng phải lên kế hoạch đón đầu là tất yếu.

Ngoài ra, cũng chính vì tình hình sức khỏe của doanh nghiệp không tốt nên việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng cũng giúp họ tăng thêm dự trữ, dự phòng rủi ro khi nợ xấu gia tăng.

Riêng về nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, hiện mới chỉ có Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank - mã chứng khoán CTG) chính thức được cho tăng vốn. Ngày 8/7 vừa qua, ngân hàng này đã chốt xong danh sách để phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 29%.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, vấn đề quan tâm lớn hiện nay là tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước.

Theo bà Hồng, nếu không được bổ sung vốn điều lệ, nhóm này sẽ hạn chế khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thu hẹp thị phần, khó hiện thực hóa chỉ tiêu có ít nhất một đến 2 ngân hàng thương mại nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản khu vực châu Á theo chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng 2030 được Chính phủ phê duyệt.