15:23 16/04/2025

Ngân hàng Việt lo thua trên “sân nhà” ở trung tâm tài chính quốc tế

Hoàng Lan

Đại diện một ngân hàng thương mại nhận định khi phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại trong nước sẽ phải đối diện áp lực cạnh tranh đa tầng với các định chế quốc tế trong khi chưa chuẩn bị sẵn sàng về năng lực…

Tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và vai trò của hệ thống ngân hàng trong xây dựng trung tâm tài chính” tổ chức ngày 16/4/2025, các chuyên gia nhận định trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng gắn kết và dòng vốn quốc tế liên tục dịch chuyển, việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là tham vọng chiến lược mà còn là cơ hội để Việt Nam tái định vị vị thế trên bản đồ tài chính khu vực.

Tuy nhiên, dù ở đâu, vai trò của trung tâm tài chính quốc tế vẫn được xác lập theo nguyên tắc: kết nối trực tiếp thị trường tài chính trong nước với thị trường tài chính toàn cầu; thu hút tổ chức tài chính và dòng vốn chất lượng cao. Từ đó, tạo đột phá về thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhờ việc phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.

Về vấn đề này, bà Lưu Ánh Nguyệt, Phó Trưởng Ban Phát triển Thị trường Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính, nói: “Việt Nam sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa mục tiêu này.  Vị trí địa lý chiến lược tại trung tâm Đông Nam Á, năng lực hội nhập sâu rộng qua các FTA thế hệ mới và cam kết cải thiện môi trường đầu tư là những lợi thế nổi bật. Kinh tế vĩ mô giữ vững ổn định, trong khi TP. Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế cả nước đã được ghi danh trong chỉ số GFCI (Global Financial Centres Index) từ năm 2022”. 

Đối với riêng lĩnh vực ngân hàng, bà Trương Thị Thu Ba, Phó giám đốc Ban Định chế tài chính của BIDV cho rằng trung tâm tài chính sẽ mang đến cơ hội thu hút dòng vốn quốc tế với chi phí thấp; giúp các ngân hàng mở rộng thị trường và nâng cấp hệ sinh thái tài chính; thúc đẩy các ngân hàng năng động hơn trong việc chuyển đổi số, phát triển ngân hàng mở, tích hợp mọi dịch vụ trên một nền tảng số duy nhất; buộc các ngân hàng phải tăng tốc để đáp ứng các chuẩn mực quốc tế như Basel III, IFRS. 

 

“Đơn cử như quy mô tổng tài sản của các ngân hàng Việt Nam hiện nay rất nhỏ bé so với ngân hàng ngoại. BIDV là một trong những ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất Việt Nam nhưng chỉ bằng khoảng 1/60 của Canadian Imperial Bank of Commerce - CIBC (Một ngân hàng của Canada – PV)”.

Trương Thị Thu Ba, Phó giám đốc Ban Định chế tài chính, BIDV 

Dẫu vậy, bà Thu Ba cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ các ngân hàng nội địa thua ngay trên “sân nhà” vì áp lực cạnh tranh đa tầng với các định chế tài chính quốc tế.

“Đơn cử như quy mô tổng tài sản của các ngân hàng Việt Nam hiện nay rất nhỏ bé so với ngân hàng ngoại. BIDV là một trong những ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất Việt Nam nhưng chỉ bằng khoảng 1/60 của CIBC (ngân hàng Canada – PV)”, đại diện BDV cho biết.

Theo bà Trương Thị Thu Ba, khoảng cách về quy mô tổng tài sản cho thấy nguồn lực hạn chế của các ngân hàng Việt Nam để đầu tư gia tăng năng lực cạnh tranh. Do đó, bà Ba kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sớm có giải pháp để khắc phục vấn đề này, có cơ chế thông thoáng cho các ngân hàng thương mại Nhà nước tăng vốn điều lệ, có nguồn lực để “quốc tế hoá năng lực”.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Bên cạnh vấn đề quy mô tài sản, nguồn vốn, bà Ba cũng chỉ ra hai thách thức khác với các ngân hàng Việt Nam là khoảng trống về hạ tầng dữ liệu, công nghệ và tích hợp số.

“Hạ tầng dữ liệu của Việt Nam còn yếu, có khoảng cách lớn với thế giới. Ngoài ra, hạ tầng kết nối thanh toán xuyên biên giới của chúng ta cũng chưa mạnh bằng các nước. Những vấn đề này rất cần vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý”, bà Ba nói.

Đại diện BIDV gợi ý mô hình trung tâm tài chính mới nên tập trung vào các thế mạnh của Việt Nam như lực lượng lao động trẻ, giỏi toán, có khả năng cung cấp các dịch vụ tài chính với chi  phí chỉ bằng 30-40% so với Singapore hoặc Hong Kong.

Đồng thời, Việt Nam có thể tham khảo mô hình trung tâm tài chính Gift City của Ấn Độ vì quốc gia này có mức độ phát triển kinh tế và chất lượng nguồn nhân lực tương đồng với Việt Nam. Dù mới thành lập được 10 năm nhưng Gift City đã đã thu hút 450 định chế tài chính đến đầu tư.