20:15 20/10/2015

Ngân sách 2016: Tăng chi nhiều hơn tăng thu

Nguyễn Lê

Năm 2016 vẫn đứng trước sức ép tăng chi ngân sách Nhà nước ngày càng lớn

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo thẩm tra về thực hiện ngân sách nhà nước.<br>
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo thẩm tra về thực hiện ngân sách nhà nước.<br>
Năm 2016 vẫn đứng trước sức ép tăng chi ngân sách Nhà nước ngày càng lớn với tốc độ tăng thu ở mức 9,4%, tốc độ tăng chi 11%.

Thông tin này được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh khi báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước trước Quốc hội, chiều 20/10.

Cơ quan thẩm tra nhìn nhận, tổng thu ngân sách năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng (tăng 1,8% so dự toán và tăng 7,4% so ước thực hiện 2014) là kết quả đáng ghi nhận.

Song, một trong số vấn đề nổi lên, theo báo cáo thẩm tra là thu từ dầu và khí hụt lớn so với dự toán.

Cụ thể, số hụt thu từ dầu thô và các khoản thu khác do giảm giá dầu là 63.000 tỷ đồng. Trong đó thu từ dầu thô hụt khoảng 32.000 tỷ đồng, thu nội địa giảm khoảng 12.000 tỷ đồng do giảm thu từ hoạt động khai thác khí, thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất..., thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm khoảng 19.000 tỷ đồng do trị giá tính thuế xuất khẩu dầu thô, thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng, dầu giảm.

Đây là mức hụt thu lớn, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách trung ương, cơ quan thẩm tra lo ngại.

Đồng tình với Chính phủ về dự kiến giá dầu thanh toán bình quân 3 tháng cuối năm chỉ ở mức 50 USD/thùng, nhưng Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo theo dõi sát diễn biến của giá dầu để có đối sách phù hợp nhằm phát triển kinh tế trong nước bù hụt thu, tận dụng việc giảm giá dầu thành cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Với dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Chính phủ dự kiến tổng thu cân đối ngân sách 2016 là 1.014.500 tỷ đồng, tăng 9,4% so với ước thực hiện năm 2015. Nếu không tính 30.000 tỷ đồng thu từ tiền bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp thì tổng thu tăng 6,1%.

Nhất trí với dự toán này, cơ quan thẩm tra nhìn nhận mặc dù đây là mức tăng dự kiến thấp, nhưng để bảo đảm tính chủ động, an toàn trong điều hành thì mức tăng như vậy là hợp lý. Trong bối cảnh thu từ dầu thô đạt thấp do giá giảm mạnh, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế, một số chính sách thuế đến thời điểm điều chỉnh giảm thuế suất.

Nhìn tổng thể, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng 2016 vẫn đứng trước sức ép tăng chi ngân sách ngày càng lớn. Tốc độ tăng thu ở mức 9,4% nhưng tốc độ tăng chi lên đến 11%.

Riêng chi đầu tư phát triển tăng 31,2%, chi thường xuyên tăng 5,8% cho thấy việc cân đối ngân sách đã rất căng thẳng, trong khi ngân sách còn nợ nhiều khoản chi chưa có nguồn thanh toán, Chủ nhiệm Hiển lo ngại.

Vẫn đồng ý với bội chi 2016 ở mức 4,95% GDP (254.000 tỷ đồng, tăng 28.000 tỷ đồng so với năm 2015) nhưng trước áp lực trả nợ tăng, khả năng cân đối ngân sách để trả nợ ngày một khó khăn, cơ quan thẩm tra cho rằng Chính phủ cần có giải pháp xử lý tích cực và cương quyết hơn.

Quan điểm của Ủy ban thẩm tra là cần kiên định điều hành lộ trình giảm bội chi ngân sách nhà nước và nợ công trong giai đoạn 2016-2020 theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, Chủ nhiệm Hiển cho biết.