Ngân sách thâm thủng nặng vì chiến tranh, Ukraine muốn G7 hỗ trợ 50 tỷ USD
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal ước tính thâm hụt ngân sách của nước này có thể lên tới 5 tỷ USD mỗi tháng trong những tháng tới, do đó, sự hỗ trợ tài chính từ phương Tây là cần thiết hơn bao giờ hết...
Ukraine đã đề nghị nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hỗ trợ tài chính 50 tỷ USD để trang trải khoản thâm hụt ngân sách do cuộc chiến đang diễn ra tại nước này - theo ông Oleh Ustenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Trước đó, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết nước này đang chịu thâm hụt ngân sách khoảng 5 tỷ USD/tháng do chiến tranh.
"Chúng tôi cần thêm tiền hơn để thực hiện các nghĩa vụ xã hội và nhân đạo của mình", ông Shmyhal nói trong chương trình "This Week" mới đây của đài ABC. "Vì vậy, chúng tôi yêu cầu hỗ trợ tài chính... Chúng tôi đánh giá cao và rất biết ơn sự hỗ trợ tài chính từ Mỹ và tất cả các đối tác quốc tế".
Ông Shmyhal cũng cho biết nhóm phụ trách tài chính của Chính phủ Ukraine sẽ tham gia các cuộc họp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Chính phủ Mỹ tại Washington rong tuần này nhằm kêu gọi tài trợ cho quân đội, nền kinh tế Ukraine và người dân Ukraine.
"Trong những tháng tới , thâm hụt ngân sách của chúng tôi có thể lên tới 5 tỷ USD. Do đó, hỗ trợ tài chính từ phương Tây là cần thiết hơn bao giờ hết ", ông Shmyhal nói. "Vũ khí, tài chính và các biện pháp trừng phạt là bộ ba công cụ sẽ giúp ngăn chặn kẻ xâm lược và khôi phục hòa bình ở châu Âu".
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố hỗ trợ quân sự cho Ukraine thêm 800 triệu USD sau cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelenskyy. Vào tháng trước, ông Biden đã ký thông qua gói chi tiêu 1.500 tỷ USD cho các cơ quan liên bang, trong đó một khoản viện trợ trị giá 13,6 tỷ USD dành cho Ukraine. Động thái này nằm trong nỗ lực của Washington nhằm hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine, đồng thời kìm hãm nền kinh tế Nga và hỗ trợ dân thường phải di tản vì chiến tranh.
Theo tin từ Reuters, Ukraine cũng đang “cân nhắc phát hành trái phiếu không trái tức (zero coupon bond) để trang trải khoản thâm hụt liên quan tới chiến tranh trong 6 tháng tới”.
G7 gồm có Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada và Nhật Bản. G7 trước đây là được gọi là G8 khi Nga còn là thành viên (gia nhập năm 1998). Tuy nhiên, Nga mất tư cách thành viên vào năm 2014 sau khi Moscow sáp nhập vùng Crimea của Ukraine.
Tháng 12 năm ngoái, khi quân đội Nga áp sát biên giới Ukraine, G7 đã phát tín hiệu sẽ hỗ trợ Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng “động thái quân sự nghiêm trọng hơn sẽ gây ra hậu quả lớn” đối với Nga.
Ngày 24/2, Nga chính thức mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, không lâu sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow công nhận độc lập của hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine. Trước đó, ông Putin yêu cầu Bộ Quốc phòng Nga đưa lực lượng tới hai vùng ly khai là Donetsk và Lugansk để “gìn giữ hoà bình”.