08:30 23/05/2021

Ngành chế biến gỗ mong muốn được san sẻ chi phí mua vaccine với Chính phủ

Chu Khôi

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 đề nghị cho các doanh nghiệp ngành gỗ được tiếp cận, đặt mua khoảng 1 triệu liều vaccine ngừa Covid-19...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Để có  thêm  thông  tin  về chủ đề này, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST đã có cuộc trao đổi với VnEconomy.

Xin ông cho biết, căn cứ vào đâu để Hiệp hội tính toán ngành gỗ cần tới 1 triệu liều vaccine?

Ngành gỗ hiện có khoảng 5.300 doanh nghiệp, sử dụng trên 700.000 lao động; ngoài ra còn có hàng vạn lao động ở trong các làng nghề gỗ trên phạm vi cả nước.

Đây là nguồn lực quan trọng trong sản xuất để cho ngành gỗ đạt mục tiêu xuất khẩu trên 15 tỷ USD năm 2021 và 20 tỉ USD vào năm 2025. Đại dịch Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường ở cả trong nước và nước ngoài. 

Để giữ sự an toàn sức khỏe cho người lao động của các doanh nghiệp, làng nghề trước đại dịch, đảm bảo đủ nguồn lực sản xuất nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2021 và những năm tiếp theo, hiện các doanh nghiệp ngành gỗ vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo sản xuất.

Ông Đỗ Xuân Lập
Ông Đỗ Xuân Lập

Qua tham khảo một số thông tin sơ bộ, nếu một doanh nghiệp có 1.000 lao động, khi có 1 người nhiễm Covid-19 thì toàn bộ doanh nghiệp có thể phải dừng sản xuất ít nhất là 21 ngày sẽ gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. 

Ở góc độ toàn ngành, nếu dịch bệnh Covid-19 lây nhiễm lan rộng, cộng đồng doanh nghiệp gỗ sẽ đối mặt nguy cơ ngưng trệ sản xuất, vi phạm hợp đồng giao hàng, có doanh nghiệp có thể bị phá sản do đứt gãy chuỗi cung ứng và như vậy sẽ tác động tiêu cực cho cả nền kinh tế đất nước.

Từ thực tế đó, ngày 20/5, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đã có Công văn số 44/2021/HHG-VP gửi Thủ tướng Chính phủ; Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 đề nghị cho doanh nghiệp ngành gỗ được tiếp cận, đặt mua khoảng 1 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19.

VIFOREST thay mặt cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ kính đề nghị Thủ tướng chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ được tiếp cận, đặt mua khoảng 1 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 từ nguồn kinh phí do các doanh nghiệp trong ngành đóng góp và từ các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác.

Chính phủ đang kêu  gọi  các  người dân, doanh  nghiệp  đóng  góp  kinh  phí  để  mua vaccine Covid-19. Hưởng ứng lời kêu gọi này, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ sẽ thực hiện như thế?

Chúng tôi được biết thông tin, theo tính toán của Bộ Y tế, Việt Nam cần tới 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 để tiêm phòng cho toàn thể người dân, tổng kinh phí ước lên tới khoảng 25.200 tỷ  đồng, trong đó kinh phí mua vắc xin khoảng 21.000 tỷ đồng, chưa kể chi phí vận chuyển, bảo quản, phân phối và tổ chức tiêm chủng khoảng 4.200 tỷ đồng.

Chi phí mua vaccine như vậy rất lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân. Chúng tôi được biết, trong dự trù ngân sách mua vaccine Covid-19 do Chính phỉ đưa ra, ngân sách Trung ương dự kiến bố trí khoảng 16.000 tỉ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức là 9.200 tỉ đồng.

Qua các đợt dịch cho thấy, ở các thời điểm phải cách ly xã hội hoặc cách ly cục bộ, hàng trăm nghìn chuyến xe hàng, chuyến container, hàng loạt các dịch vụ phải đóng cửa, rất nhiều ngành trong nền kinh tế trì trệ, đồng nghĩa với thiệt hại của cả nền kinh tế là vô cùng lớn, so với chi phí tiêm vaccine. 

Nếu mỗi doanh nghiệp tự bỏ kinh phí ra mua vaccine tiêm phòng cho người lao động của mình thì chi phí này tính ra rẻ hơn rất nhiều lần so với thiệt hại mà Covid-19 gây ra.

Đối với từng người dân, giá trị một liều vaccine không lớn, nhưng cả một nền kinh tế được mở cửa, thì đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp và cho toàn xã hội.

Ý thức được điều đó, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ cam kết sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ. Đồng thời, doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ hành động nhanh hơn để có vaccine cho toàn dân, và có giải pháp trong việc phân phối nhanh nhất đến với người dân. Trong thâm tâm của mỗi chúng ta, của mỗi người dân, là sẵn sàng chia sẻ chi phí về vaccine với Chính phủ. 

Xin ông cho biết, kinh phí mua vaccine -19 của ngành gỗ sẽ được huy động như thế nào?

VIFOREST đã họp và đạt được thống nhất của các doanh nghiệp thành viên trong Hiệp hội, tất cả đều nhất trí cùng đóng góp kinh phí để Ban lãnh đạo VIFOREST đứng ra làm các thủ tục đăng ký, mua và phân bổ vaccine Covid-19, với địch phòng chống dịch Covid-19 cho nhân lực ngành chế biến gỗ.

Vaccine nếu được Chính phủ và Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 cho tiếp cận mua, chúng tôi sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp chế biến gỗ trong các khu công nghiệp, khu vực tập trung đông người lao động, đặc biệt là tại tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, tỉnh Bình Định và TP.Hà Nội là những địa phương có nhiều doanh nghiệp có quy mô lao động trên 1.000 người.

Vaccine nếu được cung ứng thì sẽ được phân phối đến những đâu, thưa  ông?

Chúng tôi sẽ phân bổ đến hết các doanh nghiệp thành viên của VIFOREST, nếu còn dư sẽ phân phát tới các làng nghề gỗ. VIFOREST cam kết việc quản lý, sử dụng và tiêm phòng vắc xin cho người lao động, VIFOREST và các Hiệp hội gỗ địa phương cam kết sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 và của các cơ quan chuyên môn và đúng quy định của pháp luật.