18:56 18/09/2023

Ngành thuế rà soát ngăn gian lận trong khai thác khoáng sản

Trâm Anh

Theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế, cơ quan thuế các địa phương đang ráo riết phối hợp với cơ quan tài nguyên môi trường rà soát thông tin kê khai thuế với hoạt động khai thác khoáng sản để truy rõ chênh lệch so với thực tế nếu có...

Việc cung cấp thông tin về sản lượng tài nguyên sẽ là cơ sở để tổng hợp xử lý về thuế theo quy định.
Việc cung cấp thông tin về sản lượng tài nguyên sẽ là cơ sở để tổng hợp xử lý về thuế theo quy định.

Để đảm bảo việc quản lý thuế đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản được chính xác, kịp thời, Tổng cục Thuế đề nghị cục thuế các địa phương phối hợp với cơ quan tài nguyên môi trường rà soát thông tin kê khai thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản trong năm của người nộp thuế.

Tổng cục Thuế cho biết, cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế, cơ quan tài nguyên và môi trường để quản lý hoạt động khai thác tài nguyên tại địa phương đã được quy định rõ tại khoản 6, Điều 5, Thông tư số 152/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế tài nguyên; Nghị định số 27/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Để đảm bảo việc quản lý thuế đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản được chính xác, kịp thời, Tổng cục Thuế đề nghị các cục thuế chuyển thông tin kê khai thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản trong năm của người nộp thuế.

Bên cạnh đó, các cục thuế phải chủ động yêu cầu, đôn đốc cơ quan tài nguyên và môi trường trên địa bàn cung cấp thông tin về sản lượng tài nguyên, khối lượng đất đá bóc, đất đá thải và khối lượng khoáng sản nguyên khai thực tế khai thác của người nộp thuế, từ đó, tổng hợp xử lý về thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các quy định pháp luật thuế có liên quan.

 

Theo quy định, trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin kê khai của người nộp thuế về sản lượng tài nguyên thực tế khai thác kê khai trong năm theo từng mỏ khi kết thúc năm tài chính do cơ quan thuế chuyển đến, cơ quan tài nguyên và môi trường phải tiến hành ngay các biện pháp nghiệp vụ xác định số lượng thực tế.

Theo đó, cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm đối chiếu với sản lượng tài nguyên đã khai thác tại từng mỏ do đơn vị khai thác khai, nộp thuế với dữ liệu đã có tại cơ quan mình; đồng thời, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định sản lượng khai thác thực tế của đơn vị trong trường hợp có chênh lệch.

Sau đó, chuyển thông tin cho cơ quan thuế để xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin chi tiết về khối lượng đất đá bóc, đất đá thải và khối lượng khoáng sản nguyên khai thực tế khai thác kê khai trong năm theo từng Giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn do cơ quan thuế chuyển đến, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đối chiếu số lượng đất đá bóc, đất đá thải và khối lượng khoáng sản nguyên khai thực tế khai thác theo từng giấy phép do người nộp phí kê khai với dữ liệu đã có tại cơ quan mình.

Cơ quan tài nguyên và môi trường cũng phải thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định sản lượng khai thác thực tế của đơn vị trong trường hợp có chênh lệch, để chuyển thông tin cho cơ quan thuế để xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Theo ghi nhận, hoạt động khai thác khoáng sản luôn là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro. Công tác quản lý tài nguyên nói chung, quản lý thu ngân sách nói riêng đối với hoạt động khoáng sản còn rất nhiều bất cập, hiện tượng lãng phí, thất thoát tài nguyên, khai thác khoáng sản trái phép, trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. 

Cách thức trốn thuế của các đối tượng rất phức tạp và tinh vi, với nhiều hình thức khác nhau như: khai báo sản lượng thấp hơn thực tế; khai báo chất lượng thấp hơn thực tế; không khai báo đầy đủ các kim loại quý hiếm thu hồi được; thiết lập giá bán thấp; kê khai khống các chi phí…

Cuối tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hiệp Hưng với mức phạt 250 triệu đồng. Lý do xử phạt vì công ty thực hiện hành vi vi phạm hành chính khai thác khoáng sản cát, sỏi vượt công suất được phép khai thác hằng năm nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản từ 25% đến dưới 50%.

Hay trong tháng 5, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cũng ban hành thông báo kết luận thanh tra toàn diện việc thực hiện dự án đầu tư mở rộng khai thác và chế biến đá xây dựng tại thôn 4, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm của Công ty TNHH Hoàng Hậu Phố. Công ty không kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với khối lượng 36.083m3 tương ứng với số tiền hơn 519,7 triệu đồng là có dấu hiệu hành vi trốn thuế, cùng nhiều vi phạm khác.

Qua quá trình kiểm tra, giám sát, cơ quan chức năng thậm chí phát hiện có doanh nghiệp khai thác khoáng sản chỉ trong vỏn vẹn 1 năm cao hơn cả mức được cấp phép trong 30 năm theo giấy phép được cấp.

Trước những hành vi nhức nhối khai thác khoáng sản trái phép, nhiều địa phương kiên quyết đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy phép, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường. 

Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, bảo đảm an toàn lao động. Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế và giám sát sản lượng khoáng sản thực tế đã khai thác. Cùng với đó, đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, phí; khai thác khi chưa hoàn thành thủ tục, khai thác vượt công suất, khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác.

 

Hiện Tổng cục Thuế cũng đang tiếp tục nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng "Bản đồ số về mỏ khoáng sản" nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu ngân sách trong lĩnh vực đầy rủi ro này.