Ngành thuế thu nợ 4.289 tỷ đồng nhờ biện pháp hoãn xuất cảnh
Tính đến tháng 11/2024, cơ quan thuế đã thu hồi khoảng 4.289 tỷ đồng từ gần 6.500 người nợ thuế, gấp gần 5 lần so với con số công bố giữa năm...
Tổng cục Thuế cho biết trong năm nay đã thực hiện nhiều biện pháp cưỡng chế nợ thông qua các hình thức như tạm hoãn xuất cảnh, kê biên tài sản, thu qua hoá đơn… đối với những trường hợp có dấu hiệu tẩu tán tài sản, trì hoãn việc đóng thuế hoặc bỏ trốn.
Trong đó, cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn tạm hoãn xuất cảnh tại sân bay đối với các cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Tính đến tháng 11/2014, ngành thuế đã ban hành 58.680 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền nợ thuế là 80.512 tỷ đồng từ gần 6.500 người. Trong số này, có trên 35.600 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh với số tiền nợ thuế gần 13.000 tỷ đồng.
Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế, Tổng cục Thuế nhận định: “Cá nhân những hộ kinh doanh, những doanh nghiệp đã bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh, dẫn đến việc cơ quan thuế không liên lạc được mà vẫn còn nợ thuế, những trường hợp này cương quyết sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh".
Hiện nay, các quy định chưa xác định ngưỡng nợ cụ thể để áp dụng biện pháp cưỡng chế, tức là chỉ cần nợ thuế quá hạn cũng bị coi là vi phạm. Đầu tháng 12, Bộ Tài chính đã đề xuất ngưỡng nợ thuế từ 10 triệu đồng trong 120 ngày sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân, hộ kinh doanh. Tuy nhiên, sau phản hồi cho rằng mức này quá thấp, Bộ Tài chính đã điều chỉnh nâng ngưỡng lên 50 triệu đồng trong 120 ngày.
Ngoài biện pháp thu hồi nợ qua tạm hoãn xuất cảnh, năm nay, ngành thuế còn đẩy mạnh ứng dụng eTax Mobile để người nộp thuế theo dõi nghĩa vụ và nợ thuế. Cơ quan thuế cũng công khai thông tin, chuyển hồ sơ cho công an điều tra các trường hợp vi phạm. Nhờ vậy, tổng số nợ thuế thu hồi đạt 61.227 tỷ đồng, tăng 33,2% so với cùng kỳ, chiếm 7,8% tổng thu ngân sách, đúng theo chỉ tiêu của Chính phủ và Thủ tướng.
Về thương mại điện tử, số thuế thu năm nay đạt 116.000 tỷ đồng, tăng 20%, so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ quan thuế đã nâng cấp và tăng cường ứng dụng AI để thu thập thông tin từ các sàn như Shopee, Lazada, Tiki. Dữ liệu này được đối chiếu với thông tin kê khai của người nộp thuế để hỗ trợ họ đăng ký và nộp thuế.
Hiện cả nước có gần 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, với tổng giá trị giao dịch hơn 75.000 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã đưa 120.000 doanh nghiệp, cá nhân vào diện rà soát, đạt số thuế kê khai và nộp là 51.563 tỷ đồng. Đồng thời, đã xử lý vi phạm 30.668 trường hợp, truy thu và phạt gần 1.360 tỷ đồng.
Ngoài ra, 120 nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử, với số thuế đạt gần 8.690 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2023.
Vào ngày 19/12 vừa qua, Tổng cục Thuế cũng đã chính thức cho ra mắt và vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế từ thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số.
Theo đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm siêu nhỏ, nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục thuế. Vì vậy, VCCI đề xuất ngành thuế tiếp tục hoàn thiện nền tảng công nghệ và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng các hệ thống này. Cơ quan thuế cũng cần có hướng dẫn chi tiết, thống nhất để tránh tình trạng áp dụng khác nhau ở mỗi nơi. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, VCCI kiến nghị cần có chính sách đặc thù như miễn giảm thuế, hỗ trợ đào tạo tuân thủ hoặc tư vấn trực tiếp.