17:26 15/05/2023

Nghịch lý kinh tế Mỹ: Người tiêu dùng thắt hầu bao, doanh nghiệp vẫn tăng giá

An Huy

Các công ty ở Mỹ đang tiếp tục tăng giá nhiều mặt hàng, từ tã giấy trẻ em cho tới túi xách phụ nữ, thậm chí một số doanh nghiệp còn “khoe khoang” với nhà đầu tư rằng đây là một dấu hiệu của sức mạnh thương hiệu...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Có một biểu tượng địa vị mới trong thế giới doanh nghiệp Mỹ: khả năng duy trì việc tăng giá bán sản phẩm và dịch vụ - theo tờ Wall Street Journal.

Các công ty ở Mỹ đang tiếp tục tăng giá nhiều mặt hàng, từ tã giấy trẻ em cho tới túi xách phụ nữ, thậm chí một số doanh nghiệp còn “khoe khoang” với nhà đầu tư rằng đây là một dấu hiệu của sức mạnh thương hiệu. Trong một số trường hợp, mức tăng giá thừa để bù đắp sự gia tăng chi phí nguyên vật liệu thô, giá nhân công và các chi phí khác, từ đó giúp tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp càng đậm hơn.

Việc các doanh nghiệp Mỹ tăng giá bán sản phẩm và dịch vụ diễn ra ngay cả khi lạm phát đang dịu đi và nền kinh tế giảm tốc báo hiệu khả năng người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Trong tháng 3, tiêu dùng của các hộ gia đình ở Mỹ tăng so với tháng trước đó, nhưng tốc độ tăng chậm lại - một tín hiệu cho thấy tác động bất lợi của giá cả leo thang đã bắt đầu ngấm vào nền kinh tế.

NGƯỜI TIÊU DÙNG LO LẮNG, DOANH NGHIỆP VẪN TĂNG GIÁ

Theo kết quả một cuộc khảo sát do Đại học Michigan thực hiện công bố mới đây, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm 9% trong tháng 5 so với tháng 4, trong bối cảnh những lo ngại mới về sức khoẻ của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Bức tranh kinh tế đang ngày càng xấu, và người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn”, CEO Joanne Crevoiserat của Tapestry - công ty sở hữu các thương hiệu túi xác và thời trang Coach và Kate Spade nói với các nhà phân tích. Bà dự báo doanh thu của hãng tại thị trường Bắc Mỹ trong quý 2 này giảm 4-6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, Tapestry vẫn có duy trì tăng giá. “Chúng tôi sẽ tiếp tục chứng kiến sức mạnh thiết lập giá trong danh mục của mình. Chúng tôi thực sự nhìn thấy cơ hội để tăng giá và tăng tỷ suất lợi nhuận”, bà Crevoiserat phát biểu.

Trong vòng 3 năm qua, giá bình quân mà người tiêu dùng phải trả cho một chiếc túi xách Coach đã tăng khoảng 30% - Tapestry cho hay. Bà Crevoiserat nhấn mạnh rằng một trong những chiếc túi xách được ưa chuộng nhất của thương hiệu Kate Spade hiện nay là mẫu túi hình một chú chó chăn cừu được bán với giá gần 500 USD. Vào năm 2020, một mẫu “hot” tương tự, nhưng có hình một trái dứa, có giá rẻ thấp hơn khoảng 100 USD so với mẫu này.

Giá cổ phiếu Tapestry đã tăng gần 11% trong 2 phiên trở lại đây, sau khi công ty báo cáo doanh thu và lợi nhuận quý 1/2023 vượt dự báo của giới phân tích. Trong vòng 1 năm, cổ phiếu công ty này đã tăng 23%.

CEO Robert Iger của Walt Disney cho biết công ty đã mất một lượng nhỏ thuê bao ở Mỹ và Canada sau khi nâng giá thuê bao của dịch vụ phát nội dung Disney+ không có quản cáo. Dịch vụ này hiện có giá 10,99 USD/tháng so với mức 7,99 USD/tháng trước kia. Theo ông Iger, Walt Disney cho kế hoạch tiếp tục tăng giá trong năm nay “để phản ánh giá trị của những nội dung mà chúng tôi cung cấp”.

Việc tăng giá thậm chí còn dễ dàng hơn đối với các thương hiệu xa xỉ. Trong những năm gần đây, Chanel đã tăng giá bán các mẫu túi xách nắp gập được ưa chuộng của hãng thêm hàng nghìn USD mỗi chiếc.

Richemont, công ty sở hữu những thương hiệu hạng sang như Van Cleef & Arpels và Piaget, hoàn toàn có thể tăng giá thêm, nhưng không làm như vậy vì tôn trọng khác hàng - Chủ tịch công ty, ông Johann Rupert, cho biết. Một ngoại lệ là Cartier - thương hiệu cũng thuộc sở hữu của Richemont - đã tăng giá bán sản phẩm khoảng 5% vào tháng 4 vừa qua. “Nhìn chung, chúng tôi không tăng giá nhiều như các đối thủ”, ông Rupert nói với các nhà phân tích.

Mùa báo cáo tài chính quý 1/2023 ở Phố Wall đã đi được quá nửa, và tỷ suất lợi nhuận ròng của các công ty trong chỉ số S&P 500 đã ghi nhận sự tăng trưởng đầu tiên sau 6 quý giảm liên tiếp. Điều này cho thấy việc tăng giá sản phẩm-dịch vụ đã giúp doanh nghiệp bù đắp sự gia tăng chi phí.

“Các công ty đại chúng muốn chứng tỏ được với nhà đầu tư rằng họ có sức mạnh thương hiệu. Cách dễ nhất để làm được điều đó là thông qua việc tăng giá”, nhà phân tích cấp cao Simeon Siegel của BMO Capital Markets nhận định.

“CẢM XÚC LUÔN LẤN ÁT GIÁ CẢ”

Các nhà điều hành doanh nghiệp đang theo dõi chặt chẽ thị trường việc làm của Mỹ, xem đây như một thước đo về sức khoẻ người tiêu dùng. Các báo cáo gần đây cho thấy thị trường lao động vẫn vững vàng, cho dù nhiều công ty tuyên bố sa thải hàng loạt trong những tháng gần đây. Số liệu mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này có thêm 253.000 công việc mới trong tháng 4 và tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1969.

Dù vậy, đã xuất hiện một số dấu hiệu đáng lo ngại. Nhà mạng AT&T mới đây cho biết việc sa thải và cắt giảm chi phí của doanh nghiệp đang gây suy giảm nhu cầu đối với dịch vụ mạng không dây. Theo đó, nhiều khách hàng quyết định tiếp tục sử dụng điện thoại cũ, thay vì đổi sang điện thoại mới. Hồi tháng 4, đối thủ của AT&T là Verizon báo lợi nhuận quý 1 giảm do số thuê bao giảm.

“Người tiêu dùng đang đối mặt với sức ép, và chúng tôi đang theo dõi doanh số chặt chẽ hơn bao giờ hết để xác định ảnh hưởng của giá đối với nhu cầu và những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng”, CEO Lance Mitchell của công ty hàng tiêu dùng Reynolds nói với các nhà phân tích.

Chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh McDonald’s cho biết thực khách không bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá và lượng khách tại các nhà hàng McDonald’s ở Mỹ đã tăng lên, đưa doanh thu quý 1 tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng nước giải khát Pepsi nâng dự báo tăng trưởng doanh thu cả năm sau khi nhu cầu duy trì ở mức cao dù hãng tăng giá 13% trong quý 1.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, CEO Rodney McMullen của công ty bán lẻ Kroger nói rừng ông ngạc nhiên khi có nhiều nhà điều hành doanh nghiệp công khai thảo luận việc tăng giá bán sản phẩm, dịch vụ. Trước đây, “họ thường không quyết liệt đến vậy khi đề cập công khai tới vấn đề này. Họ đang minh bạch hơn so với những gì chúng tôi chứng kiến trước đây”.

Nhà phân tích Siegel chỉ ra sự khác biệt giữa những mặt hàng thiết yếu và không thiết yếu. “Mọi người sẵn sàng chi cho những thứ mà họ cần và sử dụng nhiều, chẳng hạn như một thùng sữa hay dịch vụ truyền hình”, ông nói.

Trong khi đó, các công ty thời trang thường có ít sức mạnh thiết lập giá cả hơn. Điều này đúng trong những tháng gần đây, khi lượng hàng tồn kho lớn đã dẫn tới việc các công ty thời trang phải giảm giá mạnh trong mùa nghỉ lễ cuối năm ngoái. Ông Siegel dự báo việc giảm giá này sẽ tiếp tục.

Nhưng một số thương hiệu như Coach và đối thủ của hãng này là Michael Kors không những tránh việc giảm giá mạnh mà còn tiếp tục tăng giá. Việc tăng giá ở cả hai công ty này đều tính đến lạm phát trong tương lai và là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm nâng tầm thương hiệu thông qua cải thiện chất lượng và giảm tình trạng dư thừa nguồn cung - một nguyên nhân dẫn tới các chương trình khuyến mãi.

CEO Todd Kahn của Coach nói một vài trong số những mẫu túi nhỏ nhất của thương hiệu này lại là những mẫu đắt nhất, vì đang hợp xu hướng và được người tiêu dùng ưa chuộng. “Cảm xúc luôn lấn át giá cả”, ông nói.