“Người dân không chấp nhận giá dịch vụ BOT cao hơn, ai dám đầu tư”
"Sẽ là rủi ro thường trực khi cứ dựng trạm thu phí thì người dân áp lực và gây ra áp lực xã hội"
Nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông hiện nay rất lớn, trong khi ngân sách nhà nước hạn chế, mỗi năm kinh phí cấp cho ngành giao thông được duyệt chỉ 23% kế hoạch. Riêng trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Giao thông Vận tải không được thực hiện dự án nào mới, chỉ trả nợ xây dựng cơ bản và các dự án đã hoàn thành.
Vấn đề đặt ra làm sao huy động được nguồn vốn tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài vào phát triển kết cậu hạ tầng giao thông vận tải được nhiều chuyên gia mổ xẻ tại toạ đảm "Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam" sáng 13/11.
20 năm qua "nhà đầu tư BOT như thiêu thân"
Tại toạ đàm, ông Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội nói: "10-20 năm qua, nhà đầu tư BOT như các con thiêu thân, đầu tư và bất chấp mọi rủi ro có thể có".
Đầu tiên là vấn đề rủi ro điều chỉnh quy hoạch, chúng ta có chiến lược nhưng chưa thực hiện tốt. Quy hoạch không đi vào cuộc sống sẽ tạo rủi ro lớn. Ông Nhã lấy ví dụ: Nếu thực hiện tập trung cao tốc Bắc Nam, thì ai sẽ đi quốc lộ 1 khi công trình này đưa vào sử dụng và cải tạo mới 3-4 năm?
"Để nhà đầu tư BOT tham gia thì kết cấu hạ tầng, quy hoạch phải đảm bảo công khai, họ lường trước được rủi ro. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào cách quy hoạch của ta mà họ không dám vào", ông Nhã nói.
Về vấn đề giá cung cấp dịch vụ hạ tầng, ông Nhã cho hay bản thân ông rất thông cảm khi Bộ Giao thông Vận tải chuyển từ trạm thu phí sang trạm thu giá. Xã hội phải chấp nhận trả phí cao hơn khi giá đường bộ tốt hơn. Sẽ là rủi ro thường trực khi cứ dựng trạm thu phí thì người dân áp lực và gây ra áp lực xã hội. Đầu tư quan trọng giá hoàn vốn, nhân dân không chấp nhận giá dịch vụ cao hơn. Ai sẽ dám đầu tư? Trong khi lãi vay trả thôi đã khó rồi.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Trần Văn Thế - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết, người dân có thói quen tiêu dùng miễn phí, nhất là việc sử dụng hạ tầng. Nguyên nhân do việc tuyên truyền quảng bá chưa được tốt, người dân chưa thấu hiểu dẫn đến việc có trường hợp phản ứng thái quá.
"Từ những phản ứng của người dân, chúng tôi phải tiếp rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm toán. Tuy nhiên, các cơ quan thanh tra giám sát chỉ tập trung kiểm toán bên B, còn chế tài sau đó chưa thấy cơ quan thanh tra đưa ra để đảm bảo cam kết quyền lợi cho các nhà đầu tư chúng tôi", ông Thế nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, theo ông Thế, văn bản pháp lý của Việt Nam chưa đồng bộ, chẳng hạn Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp chưa hợp lý. Trong Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể chuyển nhượng cổ phần hoặc góp vốn, nhưng Luật Đầu tư thì không cho phép.
Hơn nữa, tính ổn định pháp lý chưa cao, các Nghị định và Thông tư liên tục thay đổi, do đó doanh nghiệp lo ngại việc đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư và lợi ích ngành bị ảnh hưởng.
"Vì thế, khi chính sách thay đổi, Nhà nước phải đảm bảo cho doanh nghiệp về quyền lợi trong việc ký kết hợp đồng BOT", ông Thế kỳ vọng.
Dự án hiệu quả mời PPP, "xương xẩu" Nhà nước làm
Về vấn đề nguồn vốn cho các dự án hạ tầng giao thông vận tải, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, hiện có tư duy hạn chế vốn tín dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng, tuy nhiên chỉ nên hạn chế vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Chúng ta cần cho ra một thị trường tài chính đúng bản chất cho PPP.
Việt Nam nên học hỏi cách làm của Hàn Quốc. Toàn bộ các dự án công tư của họ đều được nghiên cứu bài bản, sau đó nghiên cứu độc lập, đánh giá thẩm định tập trung. Các dự án được phân loại, cái nào hiệu quả thì mời gọi PPP, "xương xẩu" thì nhà nước làm.
Hành lang pháp lý của họ cũng rất rõ ràng, và bảo vệ nhà đầu tư. Luật về đối tác công tư của họ nêu rõ nếu có quy định xung khắc với luật khác thì ưu tiên áp dụng luật PPP. 20 năm trước, đầu tư công Hàn Quốc không khác gì Việt Nam bây giờ, tuy nhiên hiện Hàn Quốc là một trong những nước có cơ sở hạ tầng tốt bậc nhất châu Á.
Liên quan đến quá trình đấu giá, GS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình Bộ Xây dựng, cho rằng, Việt Nam rất coi trọng giá, bởi giá bỏ thầu chính là thông số có giá trị định lượng cụ thể nhất, còn năng lực chỉ nói một phần. Cho nên xảy ra tình trạng rất nhiều năm chúng ta đã say sưa với đấu thầu theo một cách đó là đấu giá, nghĩa là giá ông nào thấp nhất thắng. Đây là một cách làm không đúng.
Tôi chọn nhà kỹ thuật có thể làm ra sản phẩm được 10 điểm thậm chí là 9/10, thế nhưng giá của họ sẽ cao, trong đó một đơn vị năng lực chỉ có 6 điểm thì đương nhiên giá sẽ thấp, như vậy mình chọn giá thấp thì đương nhiên chất lượng sẽ thấp, việc này rơi chủ yếu là vào các dự án đầu tư công.
"Khi tôi chọn giá cao hơn thì các đơn vị khác lại đến thanh tra, kiểm tra tại sao giá thấp lại không chọn.. những cái đó tôi cho rằng phải cải cách quyết liệt. Tôi mong muốn có cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, để nhà tầu tư yên tâm đầu tư các dự án", GS.TS Trần Chủng nói.