14:43 06/06/2008

Người Mỹ đã mất bao nhiêu tiền?

Mai Vân

Giá trị tài sản thuộc sở hữu của người Mỹ trong ngôi nhà của họ đã giảm xuống mức 46,2%, mức thấp nhất từng được ghi nhận

Theo giới quan sát, sự sụt giảm giá trị tài sản trong 2 quý vừa qua có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động chi tiêu của người Mỹ.
Theo giới quan sát, sự sụt giảm giá trị tài sản trong 2 quý vừa qua có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động chi tiêu của người Mỹ.
Trong quý 1 năm nay, giá trị tài sản ròng của người Mỹ đã giảm quý thứ hai liên tiếp, mất tới 1.700 tỷ USD, mức giảm mạnh nhất từ năm 2002 đến nay.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, sự sụt giảm này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động tiêu dùng của các công dân ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thông tin nói trên được đưa ra trong một báo cáo vừa công bố của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Báo cáo cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình Mỹ đã giảm 1.700 tỷ USD (3%) xuống còn 56.000 tỷ USD. Trong đó, giá trị tài sản thuộc sở hữu của người Mỹ trong ngôi nhà của họ đã giảm xuống mức 46,2%, mức thấp nhất từng được ghi nhận.

Trong đó, giá trị bất động sản thuộc sở hữu của các hộ gia đình và các tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ đã giảm mất 305 tỷ USD, còn các tài sản tài chính đã mất giá 1.300 tỷ USD. Trong sự sụt giảm giá trị tài sản tài chính có 556 tỷ USD “bốc hơi” trong giá trị cổ phiếu và 400 tỷ USD “biến mất” trong các quỹ tương hỗ.

Quý 4 năm ngoái, giá trị tài sản của người Mỹ giảm mất 530 tỷ USD. Trước đó, tài sản ròng của người dân nước này liên tục tăng từ năm 2003, với mức tăng cả thời kỳ trên 31%. Trong suốt thời kỳ thị trường ảm đạm từ năm 2000 đến 2002, tài sản ròng của các hộ gia đình Mỹ giảm có 6,2%.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, sự sụt giảm giá trị tài sản trong 2 quý vừa qua có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động chi tiêu của người Mỹ. Trên thực tế, dân Mỹ đã chi tiêu nhiều hơn trong những tháng gần đây, đặc biệt là các khoản chi vào xăng dầu tăng lên do giá nhiên liệu leo thang.

Chuyên gia kinh tế trưởng Michael Englund tại tổ chức Action Economics nhận định: “Người Mỹ đang vét túi để chi tiêu và vay nợ nhiều hơn. Tuy nhiên, họ phải chi nhiều hơn vào xăng dầu, và ít hơn vào những mặt hàng khác như quần áo chẳng hạn”.

Mặc dù vậy, theo giám đốc phụ trách mảng kinh tế tiêu dùng của cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s, ông Scott Hoyt, do người Mỹ cảm thấy mình nghèo hơn, tăng trưởng tiêu dùng tại Mỹ có thể chậm lại. “Khi tài sản giảm xuống, người tiêu dùng sẽ chi tiêu ít đi ở một mức độ nào đó”, ông nói.

Số nợ của các hộ gia đình Mỹ trong quý 1 năm nay đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 6,1% trong quý 4/2007. Tốc độ tăng trưởng nợ thế chấp, bao gồm các khoản vay mua nhà, đã giảm xuống mức 3% so với cùng kỳ năm ngoái - bằng phân nửa với tốc độ của năm 2007.

Trong khi đó, tín dụng tiêu dùng, bao gồm thẻ tín dụng, lại tăng 5,75% so với cùng kỳ năm ngoái, ngang với tốc độ của năm 2007.

Việc người Mỹ vẫn tiếp tục thế chấp nhà để vay tiền, cho dù giá nhà đang giảm mạnh, cho thấy họ gặp rắc rối về tài chính tới mức độ nào. “Điều này chứng tỏ người tiêu dùng Mỹ đang khó khăn lắm mới có được tiền”, nhà phân tích Hoyt nhận xét.

Báo cáo nói trên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ được đưa ra trong bối cảnh những lo ngại về tình hình nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục tăng cao. Nhiều nhà kinh tế học cho rằng, kinh tế Mỹ đã suy thoái rồi, chứ đừng nói tới chuyện đang tiến tới suy thoái. Trong bốn tháng đầu năm nay, giới chủ sử dụng lao động ở Mỹ đã cắt giảm tới 260.000 việc làm. Trong quý 1, GDP của nước này tăng ở mức khiêm tốn 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc tài sản của các hộ gia đình Mỹ sẽ tăng hay giảm vào thời điểm cuối năm nay phụ thuộc nhiều vào tình hình thị trường chứng khoán nước này hơn là giá nhà, do tài sản tài chính chiếm tới 2/3 so với tổng giá trị tài sản ròng.

Do thị trường chứng khoán Mỹ đã lên điểm trong những tháng gần đây, các nhà phân tích cho rằng, tài sản của người Mỹ sẽ tăng 6% trong quý 2 này, nhưng có thể, đến cuối năm nay, mức tăng sẽ quay về 0%.

(Theo CNN)