10:20 23/05/2008

Người nước ngoài được phép sở hữu nhà tại Việt Nam

Nguyên Linh

Quốc hội đã chính thức thông qua nghị quyết cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Quốc hội đã thông qua nghị quyết này với 87,63% số phiếu tán thành.
Quốc hội đã thông qua nghị quyết này với 87,63% số phiếu tán thành.
Ngày 22/5, với 87,63% số phiếu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua nghị quyết cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Chính sách mới này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2009.

Có 5 đối tượng là tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền lợi này, gồm cá nhân có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam hoặc người được doanh nghiệp tại Việt Nam thuê giữ chức danh quản lý; người có đóng góp cho Việt Nam được Chủ tịch nước tặng thưởng huân, huy chương hoặc Thủ tướng quyết định; người làm việc trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội có trình độ đại học trở lên và người có kiến thức, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu; người kết hôn với công dân Việt Nam và doanh nghiệp FDI không có chức năng kinh doanh bất động sản và có nhu cầu nhà ở cho những người đang làm việc tại doanh nghiệp đó.

Nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu là căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại và không thuộc khu vực hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú, đi lại.

Cá nhân nước ngoài được sở hữu 1 căn hộ với thời hạn tối đa 50 năm, doanh nghiệp FDI được sở hữu 1 hoặc một số căn hộ cho những người làm việc trong doanh nghiệp theo thời hạn tương ứng với thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp.

Trong thời hạn 12 tháng kể từ khi hết thời hạn sở hữu, người sở hữu phải bán hoặc tặng, cho nhà ở đó.Chủ sở hữu là cá nhân, tổ chức nước ngoài nhìn chung có những quyền, nghĩa vụ về mua, bán, tặng, cho, thừa kế, thế chấp, bảo trì, cải tạo nhà ở tương tự như công dân Việt Nam.

Tuy nhiên, là cá nhân nước ngoài phải là người được phép cư trú tại Việt Nam từ 1 năm trở lên, không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, nhà ở chỉ được dùng để ở, không được cho thuê, làm văn phòng hoặc sử dụng vào mục đích khác, khi không sử dụng có thể ủy quyền cho người khác quản lý nhà ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình.

Đáng lưu ý, Nghị quyết vẫn để chủ trương "thí điểm". Chính sách này sẽ áp dụng thí điểm trong thời hạn 5 năm, nhưng Nghị quyết cũng khẳng định cá nhân, tổ chức sở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ tiếp tục được sở hữu nhà ở đó theo thời hạn ghi trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo quy định pháp luật.

Sau đó, Quốc hội sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm để xem xét, quyết định chính sách về vấn đề này cho phù hợp với điều kiện đất nước.