11:18 19/07/2007

Người nước ngoài sẽ được sở hữu nhà ở?

Huyền Ngân

Bộ Xây dựng vừa có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị thông qua đề án thí điểm chính sách nhà ở cho người nước ngoài ở Việt Nam

Đề án đề xuất 6 đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam.
Đề án đề xuất 6 đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam.
Bộ Xây dựng vừa có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị thông qua đề án thí điểm chính sách nhà ở cho người nước ngoài ở Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), việc giải quyết tốt vấn đề nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ có tác động tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Xin ông cho biết tình hình thuê nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian qua?

Theo thống kê, tính từ năm 2004 đến 2006 đã có hơn 81.000 người vào Việt Nam làm ăn, học tập và sinh sống.

Trong đó có gần 25.000 người vào đầu tư, khoảng 1.600 người vào làm việc cho các cơ quan đại diện nước ngoài, các tổ chức quốc tế và hơn 54.000 người nước ngoài vào Việt Nam sinh sống và làm việc trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa thể thao, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế.

Qua thống kê sơ bộ tại Hà Nội và Tp.HCM, nhu cầu thuê nhà ở của người nước ngoài là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, số căn hộ được xây dựng để cho người nước ngoài thuê cũng chưa đáp ứng được yêu cầu cả về diện tích và điều kiện tiện nghi sinh hoạt.

Ông nhận định thế nào về thực trạng chính sách về nhà ở có liên quan đến người nước ngoài tại Việt Nam?

Hiện nay, pháp luật của chúng ta chủ yếu mới chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc đầu tư kinh doanh nhà ở theo dự án đầu tư tại Việt Nam, pháp luật chỉ tập trung quy định các đối tượng là người nước ngoài vào Việt Nam làm ăn thông qua các dự án đầu tư theo quy định của luật đầu tư, còn một số đối tượng khác, có ảnh hưởng không nhỏ trong việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao và phát triển kinh tế đất nước thì chưa được đề cập nhiều.

Đó là các nhà ngoại giao, các nhà khoa học, các chuyên gia, các kỹ sư nước ngoài có tay nghề cao được mời vào Việt Nam làm việc hoặc những người đang làm việc tại một số tổ chức quốc tế có nhiều đóng góp cho Việt Nam như UNDP, WHO, UNICEF…

Đây có phải là cơ sở để thành lập đề án thí điểm về chính sách nhà ở cho người nước ngoài, thưa ông?

Việc cho phép áp dụng cơ chế thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam là nhằm tạo điều kiện để người nước ngoài có chỗ ở ổn định cho bản thân và gia đình họ, giúp họ yên tâm khi vào Việt Nam công tác, không chỉ trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh nhà ở mà còn trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau.

Hầu như 100% số người nước ngoài phải thuê nhà ở trong thời gian sinh sống tại Việt Nam. Có thể nói rằng việc giải quyết tốt vấn đề nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ có tác động tích cực và có tầm quan trọng đối với hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài, việc chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý từ nước ngoài vào Việt Nam...

Theo đề án, đối tượng người nước ngoài nào được mua nhà tại Việt Nam?

Do đây là thí điểm nên việc áp dụng cũng hạn chế ở một số đối tượng nhất định, việc mua nhà ở phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết và tuân thủ nghiêm chỉnh các thủ tục mua nhà ở để các cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương dễ dàng quản lý.

Đề án đề xuất 6 đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam, bao gồm:

- Những người trực tiếp hoạt động đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật đầu tư;

- Những người nước ngoài có công đóng góp với đất nước được Chủ tịch nước, Chính phủ tặng huân, huy chương; được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, được Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tặng kỷ niệm chương về sự nghiệp của ngành đó;

- Những nhà hoạt động văn hóa, nhà khoa học đang làm việc tại Việt Nam (những người được phong học hàm, học vị về khoa học, giáo dục, y tế, văn hóa, nghệ thuật; các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế xã hội;

- Các công nhân có tay nghề cao được nước ngoài công nhận và đang làm việc tại Việt Nam; những người kết hôn với công dân Việt Nam và đang sinh sống tại Việt Nam;

- Những người được Chủ tịch nước công nhận là công dân danh dự của Nhà nước Việt Nam;

- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật đầu tư. Các doanh nghiệp này được mua nhà ở để cho những người nước ngoài đang làm việc tại doanh nghiệp đó thuê trong thời gian họ làm việc tại Việt Nam.

Xin ông cho biết thời gian thực hiện cơ chế thí điểm của đề án này?

Dự thảo đề án về thí điểm chính sách nhà ở cho người nước ngoài ở Việt Nam đã được trình Chính phủ với đề xuất thời gian thực hiện thí điểm từ 3-5 năm tại một số địa phương có nhu cầu lớn.

Nếu đề án được thông qua, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và thực hiện thí điểm vào đầu năm 2008. Sau đó Chính phủ sẽ tổng kết việc thực hiện cơ chế thí điểm và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho áp dụng rộng rãi trong toàn quốc.

Trường hợp sau khi kết thúc thời hạn thí điểm mà Nhà nước không tiếp tục thực hiện chính sách này nữa thì những người đã mua nhà ở vẫn được tiếp tục sở hữu nhà ở theo thời hạn quy định và được thực hiện các quyền đã nêu trong nghị định hết thời hạn được phép sở hữu nhà ở theo quy định.