Nguồn cung khí đốt Nga giảm, hãng hoá chất khổng lồ của Đức rơi vào thế khó
“Nói một cách đơn giản: không có một giải pháp nào trong ngắn hạn để thay thế khí đốt từ Nga”, CEO Martin Brudermuller của BASF nói...
Trong suốt nhiều năm, BASF SE - một trong những công ty hoá chất lớn nhất thế giới – đã xây dựng mô hình kinh doanh của mình dựa trên nguồn khí đốt giá rẻ và dồi dào từ Nga. Với BASF, khí đốt Nga vừa là nhiên liệu vừa là nguyên liệu để sản xuất các loại hoá chất làm đầu vào cho loạt sản phẩm từ kem đánh răng, thuốc men cho tới ô tô.
Giờ đây, theo tờ Wall Street Journal, nguồn cung khí đốt từ Nga suy giảm đang đặt ra nguy cơ lớn đối với trung tâm sản xuất khổng lồ của BASF, đặt ở Ludwigshafen, Đức. Đây cũng là khu phức hợp hoá chất lớn nhất thế giới với khoảng 200 nhà máy.
KỊCH BẢN THẢM HOẠ KHI KHÍ ĐỐT NGA CHẢY CHẬM LẠI
Hồi tháng 6, Nga bắt đầu siết van khí đốt đối với Đức và các nước châu Âu khác. Phản ứng với động thái này của Nga, các nhà điều hành BASF đang phải làm một việc mà mới chỉ vài tháng trước còn chưa có ai nghĩ tới: tính xem sẽ đóng cửa khu phức hợp này thế nào trong trường hợp nguồn cung khí đốt tiếp tục bị cắt giảm.
Đây không chỉ là mối đe doạ đối với BASF và 39.000 công nhân viên của hãng này tại Đức. Do BASF và các công ty hoá chất khác nằm ở phần đầu của hầu hết các chuỗi cung ứng công nghiệp, sự gián đoạn hoạt động của họ sẽ có ảnh hưởng lan rộng khỏi lĩnh vực hoá chất, đe doạ nền kinh tế châu Âu vào đúng thời điểm lạm phát cao và tăng trưởng giảm tốc.
Theo các nhà phân tích, nếu sản lượng amonia của BASF sụt giảm, cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu có thể leo thang, bởi lẽ ammonia là một thành phần chủ chốt trong phân bón nông nghiệp.
“Dừng sản xuất ở đây sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn”, chuyên gia kinh tế trưởng Peter Westerheide của BASF phát biểu trong văn phòng ở Ludwigshafen. “Chúng tôi chưa bao giờ gặp phải một tình huống nào như thế này. Thật khó tưởng tượng”.
Sự phụ thuộc của Đức vào khí đốt Nga tăng lên khi các chính phủ nối tiếp nhau có những bước đi nhằm đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của nước này và cắt giảm dần việc sử dụng than. Với chính sách như vậy, khí đốt trở thành một nguồn năng lượng chủ đạo ở Đức, còn năng lượng tái sinh trở thành các nguồn thay thế. Nhiều gia đình ở Đức sử dụng khí đốt để sưởi ấm và nước này cũng là trung tâm sản xuất công nghiệp ở châu Âu - một khu vực vốn dĩ tiêu thụ nhiều loại nhiên liệu này.
Cuối tháng 6 vừa rồi, Berlin kích hoạt giai đoạn 2 của một kế hoạch khẩn cấp về khí đốt gồm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn cuối cùng của kế hoạch này, Đức có thể phải cắt cung cấp khí đốt cho một số công ty. Động thái trên diễn ra sau khi Nga giảm cung cấp khí đốt cho Đức thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, xuống mức chỉ còn 40% công suất tải của đường ống.
Chính phủ Nga đổ lỗi cho việc các turbine khí của đường ống được mang đi bảo trì đã không thể được vận chuyển trở lại do các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp lên Nga liên quan tới chiến tranh Nga-Ukraine. Về phần mình, giới chức Đức gọi đây là một “cuộc tấn công kinh tế”.
Hiện tại, Nga chiếm khoảng 35% nhập khẩu khí đốt của Đức, so với mức khoảng 55% trước khi chiến tranh nổ ra.
Những công ty hoá chất như BASF ở vào vị thế dễ tổn thương hơn so với các công ty sản xuất công nghiệp khác, bởi khí đốt giữ vai trò chủ chốt trong phần lớn quy trì của các nhà máy hoá chất. Khoảng 60% lượng khí đốt mà BASF tiêu thụ ở châu Âu được dùng cho việc phát điện và phát hơi nước. 40% còn lại được dùng là nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm của BASF.
KHÓ THAY THẾ NHƯ KHÍ ĐỐT NGA
Tại khu phức hợp của BASF ở Ludwigshafen, khí đốt được bơm vào các đường ống dẫn tới các nhà máy sản xuất ammonia và acetylene - một hợp chất được dùng trong các sản phẩm nhựa và dược phẩm. Khu phức hợp này chiếm tới 4% tổng nhu cầu khí đốt của Đức.
“Nói một cách đơn giản: không có một giải pháp nào trong ngắn hạn để thay thế khí đốt từ Nga”, CEO Martin Brudermuller của BASF nói hồi tháng 4.
Các nhà quản lý ở Ludwigshafen – trung tâm sản xuất chiếm 1/3 số lao động của BASF trên toàn cầu - ước tính rằng nếu nguồn cung khí đốt giữ ở mức hơn 50% so với nhu cầu tối đa của khu phức hợp, họ có thể tiếp tục hoạt động bằng cách cắt giảm sản lượng và sử dụng các nguồn năng lượng thay thế. Nhưng nếu nguồn cung khí đốt giảm dưới ngưỡng trên trong một thời gian kéo dài, họ sẽ buộc phải dừng sản xuất.
Giới chức Đức và các nhà phân tích nói rằng nước này đang đứng trước nguy cơ phải chia khẩu phần khí đốt và Nga có thể tiếp tục giảm cung cấp khí đốt.
Các nhà máy hoá chất thường phải ngừng sản xuất để bảo dưỡng định kỳ. Tuy nhiên, việc đột ngột dừng toàn bộ hoạt động của khu phức hợp có thể dẫn tới hỏng hóc nghiêm trọng và đặt ra rủi ro lớn về an toàn. Bởi vậy, BASF cần có thời gian để đảm bảo việc đóng cửa các nhà máy trong khu phức hợp một cách an toàn.
“Mọi thứ đều kết nối với nhau và phụ thuộc lẫn nhau trong khu phức hợp”, ông Westerheide nói. “Chi phí của việc dừng hoạt động rồi lại khởi động nhà máy là lớn. Đây là một kịch bản cực đoan mà chúng tôi rất muốn tránh”.
Giữa lúc khí đốt ngày càng hiếm và đắt, BASF đang chạy đua tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, để rồi nhận thấy rằng hầu như không có một giải pháp khả quan nào trong ngắn hạn. Hiệp hội công nghiệp hoá chất Đức VCI nói rằng ngành hoá chất – ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều khí đốt nhất của nước này - cần tới 135 terawatt giờ khí đốt mỗi năm. Trong khi đó, ngành này chỉ có thể tiết kiệm 2-3 terawatt giờ khí đốt mỗi năm bằng cách sử dụng nhiên liệu thay thế.
Trong dài hạn, BASF có chiến lược giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch bằng cách tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và chuyển sang các nguồn năng lượng tái sinh. Năm ngoái, hãng này đã đầu tư vào một trang trại điện gió ngoài khơi và ký các hợp đồng mua điện xanh. Tuy nhiên, giới phân tích nói rằng nguồn cung năng lượng thay thế vẫn chưa đủ lớn để đáp ứng nhu cầu.
Về vấn đề nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, BASF đã thử nghiệm các dự án tái chế hoá chất và tăng sử dụng nhiên liệu sinh học như biomethan. Dù vậy, các biện pháp này cũng được giới phân tích đánh giá là sẽ khó sớm thay thế được nhiên liệu hoá thạch trên quy mô lớn.
“Trong ngắn hạn và trung hạn, BASF vẫn cần khí đốt. Thực sự là không có cách nào khác”, nhà quản lý quỹ Arne Rautenberg thuộc Union Investment nhận định.
Đối mặt với nhiều thách thức tại châu Âu, BASF đang hướng tới thị trường Trung Quốc nhiều hơn. Hãng hiện đang xây một khu sản xuất 10 tỷ USD ở Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông. Hãng nói rằng Trung Quốc – thi trường hoá chất lớn nhất và đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới – là trọng tâm trong chiến lược tăng trưởng của hãng. Giá năng lượng leo thang ở châu Âu và chiến tranh Nga-Ukraine khiến cho chiến lược này của BASF trở nên hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, việc dịch chuyển trọng tâm về Trung Quốc sẽ đòi hỏi nhiều thời gian, một phần vì thị trường này hiện mới chỉ đóng góp 14% doanh thu của BASF, so với mức 40% ở châu Âu – theo dữ liệu từ FactSet.
Ngoài ra, rủi ro chính trị cũng là một yếu tố cần cân nhắc, bởi Chính phủ Đức đang có những đánh giá lại về mối quan hệ với Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc chiến lược và kinh tế vào Bắc Kinh, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine.