09:55 16/04/2008

Nguy cơ khủng hoảng nguồn cung dầu mỏ

Trung Việt

Liên tiếp trong hai tháng qua, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã cắt giảm sản lượng khai thác dầu để đẩy giá lên cao

Bộ trưởng Năng lượng OPEC đã bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ và châu Âu tăng sản lượng dầu để hạ nhiệt cơn sốt giá dầu cho thị trường thế giới.
Bộ trưởng Năng lượng OPEC đã bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ và châu Âu tăng sản lượng dầu để hạ nhiệt cơn sốt giá dầu cho thị trường thế giới.
Liên tiếp trong hai tháng qua, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã cắt giảm sản lượng khai thác dầu để đẩy giá lên cao. Điều này đang gây lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu mỏ có thể trầm trọng thêm trong những tháng tới.

Bộ trưởng Năng lượng OPEC đã bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ và châu Âu tăng sản lượng dầu để hạ nhiệt cơn sốt giá dầu cho thị trường thế giới.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa cho biết, sản lượng dầu từ các nước chủ chốt OPEC đã giảm xuống 27,3 triệu thùng/ngày tháng 3/2008, so với 27,6 triệu thùng/ngày tháng 2/2008 và 27,8 triệu thùng/ngày tháng 1/2008.

Sản lượng khai thác dầu mỏ của Saudi Arabia, thành viên lớn nhất trong OPEC, đã giảm xuống mức 9,2 triệu thùng/ngày tháng 2/2008. Việc cắt giảm này diễn ra trong bối cảnh các bộ trưởng OPEC từng cam kết duy trì “sản lượng khai thác vững chắc”.

Theo báo cáo của IEA, một phần trong việc cắt giảm nguồn cung này liên quan đến việc bảo dưỡng các mỏ dầu và ngừng hoạt động của các đường ống ở Nigeria và Iraq.

Theo tờ “Thời báo Tài chính” (Anh), mặc dù giá dầu tăng trong những tháng gần đây khiến các nước tiêu thụ dầu nhiều như Mỹ và châu Âu lo lắng, nhưng các bộ trưởng năng lượng OPEC cho rằng không cần thiết phải tăng nguồn cung hiện nay, vì nhu cầu chung về dầu sẽ giảm bớt trong vài tháng tới, và giá dầu đang “hạ nhiệt”.

Các bộ trưởng OPEC quan ngại về nhu cầu giảm mạnh ở Mỹ, nơi người dân đang có xu hướng sử dụng loại ô tô tiết kiệm nhiên liệu vì giá dầu cao và kinh tế suy thoái. Bộ Năng lượng Mỹ vừa đưa ra dự đoán, lần đầu tiên kể từ năm 1991, nhu cầu về xăng dầu ở Mỹ sẽ giảm vào mùa thu tới.

Ngày 11/4, IEA cũng đã hạ dự báo về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2008 xuống mức trung bình là 87,2 triệu thùng/ngày, giảm 360.000 thùng so với dự đoán trước. Dầu sưởi ấm có thể giảm trong những tháng tới do mùa Đông tại Tây bán cầu đang kết thúc.

IEA cho rằng kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại không ảnh hưởng đến nhu cầu về dầu gia tăng tại Trung Quốc và Ấn Độ. Tháng trước IEA đã đưa ra dự báo, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc sẽ tăng từ mức 7,5 triệu thùng/ngày của năm 2007, lên mức 8 triệu thùng/ngày năm nay.

Đồng thời, IEA khuyến cáo thế giới vẫn cần nhiều dầu mỏ của OPEC, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tại các nền kinh tế đang bùng nổ ở châu Á tăng mạnh có thể cân bằng với nhu cầu giảm trên thị trường Mỹ.

Ngày 9/4 vừa qua, giá dầu thô thế giới đã được giao dịch ở mức kỷ lục, hơn 112 USD/thùng. Các chuyên gia cho rằng, giá dầu thô đột ngột tăng mạnh còn do Bộ Năng lượng Mỹ công bố báo cáo cho biết, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ trong tuần đầu tháng 4 giảm 3,2 triệu thùng, do lượng dầu nhập khẩu giảm.

Bên cạnh đó, thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể cắt giảm 0,5% lãi suất trong tháng 4, trước những lo ngại kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái nhẹ, khiến đồng USD giảm giá so với đồng EUR và một loạt đồng tiền chủ chốt khác, cũng là nguyên nhân làm tăng giá dầu.

Trong bối cảnh giá dầu thô trong thời gian gần đây liên tục leo thang, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) vừa điều chỉnh tăng dự báo về giá dầu thô tại Mỹ lên 101 USD/thùng trong năm nay, trong khi con số dự đoán ban đầu là 94 USD/thùng.

EIA cũng điều chỉnh tăng dự báo về giá dầu năm 2009 từ mức 86 USD/thùng ban đầu lên 92,5 USD/thùng. Cơ quan này cho rằng, mức tiêu thụ dầu của thế giới tăng đi đôi với sản lượng dôi dư thấp đang gây sức ép ngày càng tăng lên giá dầu. Luồng vốn đầu tư đổ vào hàng hóa cũng góp phần gây bất ổn đối với giá dầu.