10:04 21/01/2008

Nguyên liệu, “nỗi khổ” của thức ăn chăn nuôi

Đình Nam

Việc phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu đã khiến người chăn nuôi, người tiêu dùng phải gánh chịu "bão" giá

Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đang gặp phải nghịch lý khi không chủ động được các nguồn nguyên liệu chủ chốt có nguồn gốc từ nông nghiệp.
Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đang gặp phải nghịch lý khi không chủ động được các nguồn nguyên liệu chủ chốt có nguồn gốc từ nông nghiệp.
Ngày 18/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức hội nghị bàn biện pháp thúc đẩy phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh giá các loại nguyên liệu nhập khẩu tăng 30-100%, giá thức ăn thành phẩm tăng 30-60% bất chấp các biện pháp cắt giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi xuống 0%.

Việc phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu các nguyên liệu quan trọng đã khiến người chăn nuôi, người tiêu dùng phải gánh chịu "cơn bão" tăng giá thực phẩm. Các chuyên gia chăn nuôi, cơ quan quản lý đều khẳng định nền nông nghiệp nước ta có lợi thế rất lớn trong việc chủ động được những nuyên liệu cơ bản để sản xuất thức ăn chăn nuôi tinh, công nghiệp nhưng vấn đề đặt ra là bao giờ tiềm năng này mới trở thành hiện thực?!

Nghịch lý của cơ cấu sản xuất nông nghiệp

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao cho biết, năm 2007, nhu cầu về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi năm 2007 vào khoảng 17 triệu tấn trong đó trong nước đáp ứng được 13,3 triệu tấn, nhập khẩu 3,7 triệu tấn (tương đương 20%).

Tuy nhiên, sản lượng 3,7 triệu tấn nhập khẩu hầu hết là những mặt hàng có giá tăng cao hàng chục phần phần trăm trong năm 2007 như ngô (585.000 tấn), khô dầu đậu tương (2 triệu tấn), thức ăn bổ sung 319.000 tấn. Tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu lên đến 1,1 tỷ USD, tăng 52,6%. Trong khi đó, nguồn thức ăn thô, xanh cả nước đạt 66 triệu tấn so với nhu cầu 110 triệu tấn.

Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đang gặp phải nghịch lý khi không chủ động được các nguồn nguyên liệu chủ chốt có nguồn gốc từ nông nghiệp: ngô, khô dầu đậu tương, bột cá, thức ăn thô xanh..., chưa kể hầu hết các loại thức ăn bổ sung, vitamin, bột xương đều phải nhập khẩu với giá cao. Các ý kiến thảo luận của các nhà quản lý, chuyên gia cho thấy việc giải quyết nghịch lý này là vấn đề không đơn giản.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phạm Đồng Quảng cho biết, diện tích trồng ngô vẫn tiếp tục tăng trong những năm qua và đạt 1,071 triệu ha vào năm 2007 với năng suất bình quân 3,9 tấn/ha, tương đương 4,1 triệu tấn, đáp ứng 85% nhu cầu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Và theo kế hoạch đến năm 2010, diện tích ngô sẽ sẽ tăng lên 1,2 triệu ha với năng suất lên tới 4,5 tấn/ha tương đương 5,4 triệu tấn so với nhu cầu của ngành thức ăn chăn nuôi ở thời điểm đó là 5,24 triệu tấn.

Tuy nhiên, ông Quảng cũng nhận định, để đạt được năng suất và diện tích như trên rất khó khăn. Bởi việc mở rộng diện tích trồng ngô mới, chuyển đổi diện tích từ cây trồng khác sang ngô đang gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt. Tình hình phát triển diện tích đậu tương để làm khô dầu dậu tương cũng ở trong tình trạng tương tự. Sản lượng khô dầu đậu tương cung cấp cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi chỉ đạt 228.000 tấn trong năm 2007, còn lại các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn.

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Văn Bầm nêu thực tế, rất khó có thể tăng sản lượng ngô, đậu tương nếu chúng ta vẫn coi đây là những loại cây trồng xen vụ, giống canh tác ngắn ngày. "Vấn đề căn bản cần phải giải quyết là khâu kỹ thuật canh tác, thu hoạch ngô đậu tương như những giống cây dài ngày", ông Bầm nói.

Cần nhanh chóng có quy hoạch

Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất thức ăn chăn nuôi Lê Bá Lịch cho rằng, chúng ta đang thiếu khả năng thực hiện quy hoạch phát triển toàn diện các nguồn nguyên liệu thô cũng như công nghiệp phụ trợ cho ngành thức ăn chăn nuôi. Vì vậy mà nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước chỉ đáp ứng được 68-70% so với nhu cầu, số còn lại phải nhập từ nước ngoài.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Trần Thế Dương đưa ra ví dụ về sự mất cân đối trong quy hoạch đất để trồng cỏ phát triển chăn nuôi ở các địa phương. Tính tổng thể hiện nay, diện tích đất trồng cây thức ăn chăn nuôi chỉ chiếm khoảng 10% đất canh tác (1,5 triệu ha/14 triệu ha), trong đó trồng cỏ thâm canh mới đạt 54.000 ha so với nhu cầu thực tế lên đến 450.000 ha.

Rõ ràng để chủ động được nguyên liệu chủ yếu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi thì cần phải từng bước khắc phục được những bất cập trên. Theo quy hoạch ngành thức ăn chăn nuôi, giai đoạn 2010 - 2020 nhu cầu về thức ăn tinh sẽ tăng từ 19,8 triệu tấn lên 27,4 triệu tấn; Nguồn thức ăn thô xanh tăng từ 120 triệu tấn lên 170 triệu tấn.

Vì vậy trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi sẽ tập trung vào các giải pháp cụ thể nhằm tạo đủ nguồn thức giàu năng lượng như cám, gạo, ngô; thức ăn thô xanh thông qua việc xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh, năng suất tương đương thế giới; phát triển các mô hình tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp (khoảng 60 triệu tấn/năm) để bổ sung nguồn thức ăn thô, xanh.

Trước mắt, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng cần tăng cường nguồn nguyên liệu sẵn có, rà soát bổ sung điều chỉnh, xây dựng mới quy hoạch sản xuất thức ăn chăn nuôi gắn với vùng nguyên liệu, phát triển các giống cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đáp ứng được yêu cầu về năng suất, chống chịu dịch bệnh.

Bên cạnh đó, cần đa dạng nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu thông qua việc cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được nhập khẩu và phân phối trực tiếp tới các doanh nghiệp Việt Nam, xây dựng sàn giao dịch thức ăn chăn nuôi, tăng cường năng lực dự trữ các nguyên liệu như ngô, khô dầu đậu tương, bột cá... chủ yếu trong thời gian dài.

Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp nhằm tăng tỷ lệ sử dụng loại thức ăn này trong chăn nuôi từ 44% (2007) lên 70% (2020); điều chỉnh cơ cấu vật nuôi để tận dụng tối đa nguồn thức ăn sẵn có, giảm đầu tư, giá thành cho các loại thực phẩm thịt, sữa, trứng...

Việc chủ động, nâng cao hiệu suất sử dụng thức ăn chăn nuôi sẽ góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 là duy trì mức tăng trưởng bình quân của ngành từ nay đến năm 2010 là 8-9% năm, giai đoạn 2010 - 2015 khoảng 6-7% năm và 2015 - 2020 khoảng 5-6% năm. Đến năm 2020, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt trên 42%, với sản lượng thịt xẻ các loại là 5.500 ngàn tấn trong đó thịt lợn chiếm 63%, thịt gia cầm 32%, thịt bò 4%, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm.