21:28 06/09/2011

Nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương phụ trách đề tài khoa học về nhân tài

Hoài Ngân

Ông Hồ Đức Việt, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, đã trở thành chủ nhiệm của đề tài nghiên cứu khoa học về nhân tài

Ông Hồ Đức Việt, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, đã trở thành chủ nhiệm của đề tài nghiên cứu khoa học có tên “Công tác nhân tài ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Ông đã có bài phát biểu về chủ đề này tại một hội thảo chuyên đề tổ chức tại Hà Nội sáng 6/9.

Trong bài phát biểu của mình, ông Hồ Đức Việt nói rằng dân tộc Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn đánh giá cao nhân tài, coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

Cùng với việc thấy rõ sức mạnh to lớn của nhân dân, Đảng cộng sản Việt Nam cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của nhân tài, nên ngay từ khi thành lập nước, Đảng và Nhà nước đã có chính sách thu hút những những trí thức, những nhà khoa học, doanh nhân giỏi tham gia vào chính phủ để gánh vác những công việc nặng nề, phức tạp sau cách mạng.

Nhắc lại chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp tuyển chọn, bố trí nhiều trí thức đảm nhận những công việc quan trọng, kể cả những người đang và đã học tập ở nước ngoài trở về tham gia kháng chiến, ông Việt nói rằng theo Bác Hồ thì phải “khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng để nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm tới công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Việt Nam cũng đã sớm có chủ trương xây dựng quy hoạch cán bộ, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện luân chuyển cán bộ để tạo điều kiện cho cán bộ nâng cao trình độ và trưởng thành qua thực tiễn.

Tuy nhiên, công tác nhân tài ở nước ta hiện nay cũng có những hạn chế, bất cập do còn thiếu những mục tiêu cụ thể, những chương trình, kế hoạch tổng thể, những giải pháp mang tính chiến lược trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng nhân tài, nên chưa chú ý tới nhiệm vụ theo dõi quá trình phát triển của những mầm mống tài năng được phát hiện sớm trong các trường phổ thông và đại học.

Ông Việt cũng cho rằng, “trong cơ chế, quy trình đánh giá, tuyển chọn và sử dụng cán bộ cũng còn những mặt yếu, chưa phát huy đầy đủ dân chủ, còn hạn chế về tính khách quan, công khai, minh bạch. Vì thế, không ít người tài đã không được phát hiện, trọng dụng hoặc bố trí vào vị trí thích hợp”.

Đặc biệt, hiện có tình trạng người tài rời bỏ khu vực công tác phù hợp với năng lực, sở trường, khả năng cống hiến của mình để chuyển sang khu vực khác có chế độ đãi ngộ tốt hơn. Những hạn chế, bất cập nêu trên đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài để tạo sự chỉ đạo thống nhất và triển khai có hiệu quả công tác quan trọng này.

Thực hiện kết luận số 37-KL/TW ngày 2/2/2009 của Ban chấp hành Trung ương khoá 10 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020, Ban tổ chức Trung ương được Bộ Chính trị phân công chủ trì nghiên cứu xây dựng đề án nghiên cứu về nhân tài của Việt Nam.

Cuộc hội thảo hôm nay được Ban chủ nhiệm đề tài phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức để tiếp thu kiến đóng góp của các vị lãnh đạo, các nhà khoa học, những người quản lý các doanh nghiệp nhằm làm rõ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn của công tác nhân tài ở nước ta hiện nay.

Vẫn theo ông Hồ Đức Việt, Ban chủ nhiệm đề tài sẽ ghi nhận các ý kiến đóng góp để làm rõ thêm những vấn đề về cơ sở lý luận, tình hình công tác nhân tài ở nước ta hiện nay và định hướng và giải pháp đối với công tác nhân tài trong thời gian tới.