Nhà đàm phán số 1 Trung Quốc nói gì về khả năng đạt thỏa thuận Mỹ-Trung?
Phó thủ tướng Lưu Hạc nói rằng ông “lạc quan thận trọng” về khả năng đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ
Nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Trung Quốc, Phó thủ tướng Lưu Hạc, nói rằng ông "lạc quan thận trọng" về khả năng đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh đàm phán Mỹ-Trung có vẻ bế tắc vì bất đồng giữa hai bên trên bàn đàm phán và tình hình căng thẳng ở Hồng Kông.
Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin đề nghị không tiết lộ danh tính cho biết đây là phát biểu của ông Lưu Hạc trong một sự kiện diễn ra tối ngày 20/11 ở Bắc Kinh. Trong bài phát biểu này, ông Lưu cũng nói về kế hoạch của Trung Quốc trong cải tổ doanh nghiệp nhà nước, mở cửa thị trường tài chính, và thực thi các quyền về sở hữu trí tuệ - đều là những vấn đề thuộc yêu cầu cốt lõi mà Washington đưa ra với Bắc Kinh trên bàn đàm phán thương mại.
Ngoài ra, nguồn tin cũng nói ông Lưu Hạc có trao đổi với một người tham dự sự kiện đó rằng ông "còn khó hiểu" về các yêu cầu của Mỹ nhưng ông tin tưởng hai bên sẽ hoàn tất được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hai bên đã nhất trí về việc đi đến thỏa thuận giai đoạn 1, thị trường tài chính toàn cầu đã liên tục biến động theo các thông tin từ Washington và Bắc Kinh. Các tín hiệu được đưa ra liên tục trái chiều, khiến thị trường "không biết đâu mà lần". Sau mỗi thông tin tích cực lại là những tín hiệu gây lo ngại.
Mới hôm thứ Tư, ông Trump tuyên bố Trung Quốc "đang không đẩy mạnh đàm phán tới mức như tôi mong muốn".
Nếu Mỹ-Trung không đạt thỏa thuận trước ngày 15/12, ông Trump sẽ áp thuế quan 15% lên 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ thời điểm đó.
Ông Lưu Hạc có bài phát biểu nói trên tại sự kiện mang tên Diễn đàn Kinh tế mới ở Bắc Kinh - sự kiện do công ty truyền thông Bloomberg Media Group tổ chức.
Bài phát biểu được đưa ra trước khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ủng hộ người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông. Trước đó cùng ngày, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật. Nguồn thạo tin cho biết dự luật có thể được chuyển tới bàn làm việc của ông Trump sớm nhất vào ngày thứ Năm và ông Trump dự định sẽ ký dự luật này.
Theo ông Zhang Yansheng, một cựu quan chức của Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC), dự luật Hồng Kông là một nhân tố bất lợi đối với khả năng đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ-Trung, nhưng hai bên vẫn có khả năng đạt thỏa thuận đó trong năm nay.
"Quan điểm lạc quan là thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ đạt được trong năm nay. Quan điểm bi quan là thỏa thuận bị lùi sang năm sau", ông Zhang, người hiện là Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc, nhận định. "Tôi cho rằng nếu không có những trở ngại như những dòng tweet hay phát biểu tiêu cực, thì vẫn có khả năng đạt thỏa thuận trong năm nay".
Trong lúc khả năng Mỹ-Trung đạt thỏa thuận còn bấp bênh, giới chuyên gia thương mại cho rằng mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ còn tiếp diễn cho dù đàm phán có đạt kết quả ra sao.
"Những dịch chuyển mang tính chiến thuật có thể giúp giảm căng thẳng trong ngắn hạn, nhưng sẽ không giải quyết được những khác biệt căn bản giữa hai nước", bà Charlene Barshefsky, người tham gia đàm phán việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thời Tổng thống Bill Clinton, nhận xét. "Thế giới đang ở vào một thời điểm mang tính bước ngoặt. Chẳng có kết quả nào là tất yếu, nhưng hai thập kỷ mà quan hệ giữa Trung Quốc với phương Tây được quản lý cẩn trọng đã đi đến hồi kết".