10:25 01/06/2019

Nhà đầu tư bán tháo, giá dầu "bốc hơi" hơn 5%

Diệp Vũ

Giá dầu thế giới giảm hơn 5% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chốt tuần và tháng với mức giảm chóng mặt

Một mỏ dầu ở bang Oklahoma, Mỹ - Ảnh: Reuters/CNBC.
Một mỏ dầu ở bang Oklahoma, Mỹ - Ảnh: Reuters/CNBC.

Giá dầu thế giới giảm hơn 5% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chốt tuần và tháng với mức giảm chóng mặt, khi thuế quan mà Tổng thống Donald Trump bất ngờ áp lên hàng hóa Mexico làm gia tăng nỗi lo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Tuần này, giá dầu còn chịu áp lực giảm từ những số liệu cho thấy nguồn cung dầu dồi dào của Mỹ. Giá "vàng đen" bị cho là có thể giảm sâu hơn nữa nếu nguồn cung dầu toàn cầu không bị hạn chế bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC+ và căng thẳng ở vùng Vịnh.

Việc ông Trump áp thuế lên hàng hóa Mexico "làm gia tăng những mối lo về kinh tế và thương mại sẵn có. Điều này còn đặt ra rủi ro đặc biệt đối với giá dầu, bởi Mexico là một đối tác thương mại lớn của Mỹ", nhà phân tích cấp cao Robbie Fraser thuộc Schneider Electric phát biểu.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 7 tại thị trường New York sụt 3,09 USD/thùng, tương đương giảm 5,5%, còn 53,5 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu WTI kể từ ngày 12/2.

Tuần này, giá dầu WTI sụt 8,8%, nâng tổng mức giảm của cả tháng 5 lên 16,3%. Đây là tháng giảm tệ nhất của dầu WTI kể từ tháng 11 năm ngoái, khi giá giảm 22%, trang MarketWatch cho hay.

Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 7 giảm 2,38 USD/thùng, tương đương giảm 3,6%, còn 64,49 ISD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 13/2.

Giá dầu Brent giảm 6,1% trong tuần này và giảm 11,4% trong tháng 5.

Tờ Wall Street Journal nói rằng Mỹ có thể cho phép một số quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu Iran, cho dù sự miễn trừ đã kết thúc vào đầu tháng 5. Điều này làm gia tăng áp lực giảm giá lên dầu.

Các số liệu mà Chính phủ Mỹ công bố tuần này cũng không có lợi cho giá dầu. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần chỉ giảm 300.000 thùng, mức giảm chỉ bằng khoàng 1/3 so với dự báo. Trong khi đó, sản lượng khai thác dầu của Mỹ tăng thêm 100.000 thùng/ngày, đạt 12,3 triệu thùng/ngày.

Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã nâng sản lượng dầu trong tháng 5.

Tuy nhiên, mức tăng sản lượng dầu của Saudi Arabia trong tháng chưa đủ để bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu dầu của Iran do lệnh trừng phạt siết chặt của Mỹ. Căng thẳng gia tăng ở vùng Vịnh sau khi Mỹ tăng cường trừng phạt Iran là một nhân tố hỗ trợ cho giá dầu thời gian gần đây.

Cũng theo Reuters, 14 nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) khai thác 30,17 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 5, giảm 60.000 thùng/ngày so với tháng 4, và là mức thấp nhất kể từ năm 2015.

Từ tháng 1 đến nay, OPEC và đối tác gồm Nga, tức nhóm OPEC+, đã thực thi thỏa thuận giảm 1,2 triệu thùng/ngày trong sản lượng khai thác dầu để hỗ trợ cho giá dầu sau đợt giảm mạnh cuối năm ngoái. Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào cuối tháng 6, và sắp tới, nhóm sẽ họp để quyết định có gia hạn thỏa thuận hay không.