09:33 28/07/2025

Nhà đầu tư chờ loạt tin tức, sự kiện quan trọng của kinh tế Mỹ trong tuần này

An Huy

Tuần này sẽ có một loạt dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ sẽ được công bố, bao gồm báo cáo việc làm, chỉ số lạm phát, niềm tin người tiêu dùng và báo báo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết lớn. Tuy nhiên, số liệu được quan tâm đặc biệt sẽ là báo cáo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2 của Mỹ...

Ảnh minh họa - Ảnh: Getty.
Ảnh minh họa - Ảnh: Getty.

Ngoài ra, cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ cũng được dự báo sẽ có tác động đến diễn biến giá của các tài sản.

Dưới đây là những tin tức và sự kiện quan trọng về kinh tế Mỹ trong tuần này:

Tình hình thương chiến

Chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump đang đứng trước một thời điểm quan trọng. Thứ Sáu tuần này, ngày 1/8, là thời hạn mà chính quyền ông Trump đặt ra để áp thuế quan mới đối với hơn 200 đối tác thương mại của Mỹ. Với Trung Quốc, thời gian hòa hoãn thuế quan sẽ kéo dài đến ngày 12/8, và các cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump sẽ tham gia đàm phán với Trung Quốc tại Thụy Điển vào ngày thứ Hai nhằm đi đến một thỏa thuận thương mại lâu dài hoặc tiếp tục hòa hoãn.

Ngoài ra, một tòa án phúc thẩm của liên bang trong tuần này sẽ đưa ra quyết định về việc liệu phần lớn các kế hoạch thuế quan của Tổng thống Trump có hợp pháp hay không.

Báo cáo tài chính của các công ty niêm yết

Một số tên tuổi lớn trong ngành công nghệ như Microsoft, Meta, Amazon và Apple sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 2 trong tuần này. Các báo cáo này sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc định hình tâm lý thị trường. Cổ phiếu công nghệ đã thúc đẩy sự tăng trưởng kỷ lục của thị trường chứng khoán Mỹ trong những tháng gần đây, khi các nhà đầu tư tập trung vào sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI). Đến nay, trong số các công ty thành viên chỉ số S&P 500 đã công bố báo cáo, khoảng 80% đạt lợi nhuận tốt hơn dự báo - theo dữ liệu của FactSet.

Nếu các báo cáo lợi nhuận tiếp tục mang tới những con số khả quan, điều này có thể thúc đẩy thị trường chứng khoán Mỹ lên mức cao hơn, dù định giá cổ phiếu đang có dấu hiệu đắt đỏ đối với một số nhà đầu tư. Xu hướng thị trường giá lên được duy trì cũng có thể thuyết phục ông Trump rằng thị trường đã chấp nhận các kế hoạch thuế quan của ông.

Niềm tin của người tiêu dùng

Hai chỉ số về cảm nhận của người tiêu dùng sẽ được công bố trong tuần này. Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng của tổ chức nghiên cứu Conference Board gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đại dịch Covid-19 do lo ngại về tác động tiêu cực của thuế quan đối với nền kinh tế và giá cả. Tuy nhiên, người tiêu dùng hiện đang có phần lạc quan hơn khi các thỏa thuận thương mại bắt đầu xuất hiện.

Trong khi đó, khảo sát tâm lý người tiêu dùng định kỳ của Đại học Michigan cho thấy người tiêu dùng gần đây vẫn lo ngại về mức lạm phát có thể tăng trở lại, sau khi nền kinh tế đã trải qua một giai đoạn lịch sử sau đại dịch. Mặc dù tâm lý đã phục hồi từ mức thấp gần kỷ lục đầu năm nay, nhưng vẫn còn nhiều lo ngại do chính sách thương mại khó lường của ông Trump.

Dự kiến, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Conference Board sẽ được công bố vào ngày thứ Ba, còn báo cáo khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu.

Dữ liệu GDP

Báo cáo GDP là một chỉ số quan trọng về tình trạng của nền kinh tế và có thể phản ánh tác động từ các chính sách của Tổng thống Trump. Các chỉ báo gần đây cho thấy tăng trưởng GDP của Mỹ đang suy yếu.

Dù vậy, các nhà kinh tế dự báo sẽ có sự cải thiện trong số liệu GDP quý 2 của Mỹ do nhập khẩu tăng chậm lại sau một thời gian các công ty đẩy mạnh việc mua hàng để tránh mức thuế quan cao. Giới phân tích cho rằng, cũng giống như sự gia tăng hàng tồn kho khiến GDP quý 1 tăng yếu đi, việc các công ty giảm lượng hàng hóa trong kho trong quý 2 có thể làm cho số liệu kinh tế trông tốt hơn thực tế.

Quyết định lãi suất của Fed

Ông Trump đã nhiều lần công khai chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell vì không cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Mỹ được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ kết thúc vào thứ Tư tuần này. Điều này có thể là một dấu hiệu cho thấy Fed muốn chờ xem các chính sách thuế quan cao và việc trục xuất lao động nước ngoài của ong Trump ảnh hưởng đến lạm phát và thị trường lao động như thế nào.

Lạm phát có tăng tốc?

Chỉ số lạm phát mà Fed ưa chuộng - chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - đã tăng mạnh lên trong những tháng gần đây, tiếp tục vượt mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương. Điều này là một yếu tố khác ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Fed.

Người tiêu dùng Mỹ đã bắt đầu mua sắm sớm, bao gồm cả các mặt hàng cho con em vào năm học mới, để giảm thiểu chi phí dự kiến sẽ tăng cao do thuế quan. Tuy nhiên, dữ liệu PCE tháng 7 có thể vẫn phản ánh những dấu ấn của chính sách thương mại nhiều biến động của ông Trump. Chẳng hạn, các mặt hàng như đồ nội thất và đồ chơi đang bắt đầu phản ánh chi phí cao hơn, do lượng hàng tồn kho trước thuế quan cạn dần.

Theo dự kiến, báo cáo PCE sẽ được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày thứ Năm.

Thời hạn 1/8 của thuế quan

Thời hạn tạm miễn các mức thuế cao của thuế đối ứng sẽ kết thúc vào ngày 1/8. Cho đến hiện tại, Nhà Trắng đã công bố đạt được thỏa thuận thương mại với một số đối tác gồm Anh, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).

Với thời hạn 1/8 đến gần, ông Trump cho biết ông sẽ gửi thư đến khoảng 200 quốc gia trong tuần này, đơn phương thiết lập một loạt mức thuế. “Thư sẽ nói rằng, bạn sẽ phải trả 10%, bạn sẽ phải trả 15%, có thể ít hơn, tôi chưa biết”, ông Trump nói với các nhà báo vào cuối tuần vừa rồi.

Giới phân tích cho rằng thị trường tài chính đang rất quan tâm đến các mức thuế cụ thể, và nếu mức thuế bình quân đối với các đối tác thương mại lớn là trên 20%, điều đó có thể khiến chứng khoán Mỹ suy yếu.

Báo cáo việc làm

Ông Trump đã cam kết dùng thuế quan để đưa việc làm trở lại Mỹ, nhưng báo cáo việc làm tháng 7 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu tuần này có thể cho thấy số lượng việc làm mới trong tháng giảm mạnh. Lực lượng lao động của Mỹ đã giảm trong những tháng gần đây, có thể do chính sách siết chặt quản lý người nhập cư và trục xuất người nhập cư trái phép gây áp lực lên số lượng việc làm mới được tạo ra trong nền kinh tế. Ngoài ra, những người mất việc làm cũng phải chờ đợi lâu hơn cho tới khi tìm được việc mới.

Thị trường việc làm ở Mỹ đã duy trì được sự tăng trưởng bền bỉ đáng ngạc nhiên trong những năm sau đại dịch, bất chấp những dự báo bi quan, nhưng cũng đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu suy yếu. Tình hình thị trường việc làm sẽ là một biểu hiện quan trọng về tác động từ các chính sách của ông Trump đối với nền kinh tế.