15:15 09/02/2023

Nhà đầu tư ngoại quan tâm đến bất động sản Việt

Ban Mai

Các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm tới thị trường tài sản nhà ở tại Việt Nam đến từ các quốc gia Châu Á, như: Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc, Hà Quốc và Nhật Bản…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Điểm thú vị của Việt Nam so với các thị trường khác nhờ tốc độ đô thị hóa 42%. Trong mắt các nhà đầu tư, Việt Nam vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước với quá trình đô thị hóa cùng với lượng dân số ở tầng lớp trung lưu ngày càng tăng.

Theo thông tin từ văn phòng của Chestertons đặt tại TP.HCM (thương hiệu dịch vụ bất động sản có trụ sở chính tại Anh), các nhà đầu tư nước ngoài đang có sự quan tâm lớn vào thị trường tài sản nhà ở tại Việt Nam đến từ các quốc gia Châu Á, như: Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

BẤT ĐỘNG SẢN VIỆT NẰM TRONG DANH SÁCH TÌM KIẾM

Dữ liệu mới nhất từ thị trường Trung Quốc cho thấy việc di cư ra khỏi quốc gia này đang được tranh luận sôi nổi khi nhiều người dân đô thị đang lên kế hoạch mua thêm nhà tại các quốc gia khác. Các nhà kinh tế nhận thấy Trung Quốc mở cửa trở lại nhanh khi Covid-19 được kiềm chế, tuy nhiên, dự báo tăng trưởng GDP lại giảm xuống còn 3,2%.

Mức độ yêu thích bất động sản ở khu vực Đông Nam Á . 
Mức độ yêu thích bất động sản ở khu vực Đông Nam Á . 

Chestertons dẫn số liệu của Anjuke (nền tảng bất động sản trực tuyến) cho thấy các thành phố lớn tại Trung Quốc có nhu cầu về bất động sản nước ngoài tăng cao, gồm có: Thượng Hải và Bắc Kinh gần như ngang nhau khi có tỷ lệ 24%, tiếp đến là Thành Đô và Quảng Châu là 9%, Hàng Châu là 8%, Trịnh Châu và Thâm Quyết là 7%, Trùng Khánh 6%...

Nhìn chung, 4 thành phố lớn được coi là trung tâm kinh tế mạnh nhất của Trung Quốc là Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến và Quảng Châu có tỷ lệ tìm kiếm bất động sản nước ngoài cao nhất, chiếm 62% trong đợt Covid-19 năm 2022 vừa qua.

So sánh sức hấp dẫn của bất động sản Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, dữ liệu của Anjuke cho thấy Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ 5%, trong khi Thái Lan đứng đầu bảng với tỷ lệ 57%, tiếp đến là Singapore với tỷ lệ là 27%, Malaysia là 14%, Philippines là 7%, Campuchia chỉ 2% và Indonesia chỉ 1%. Ngoài ra, đã có 500 công ty Trung Quốc đã chuyển hoạt động sang Singapore trong 12 tháng qua.

Tuy nhiên, tại báo cáo “Bất động sản Việt Nam: Góc nhìn từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á” của ông Winston Lee, Giám đốc các dự án đặc biệt, Tập đoàn PropertyGuru, cho biết chính sách kinh tế cởi mở của Việt Nam trong những năm gần đây và sự hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm cho câu chuyện thành công về tăng trưởng trở nên khả thi. Do đó, chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi là chìa khoá cho sức mạnh kinh tế của Việt Nam và tăng tính hấp dẫn của bất động sản đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, Việt Nam đã được hưởng lợi một phần khi chuỗi cung ứng Trung Quốc bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, Apple chuyển mảng sản xuất ipad từ Trung Quốc sang Việt Nam…

Đặc biệt, nếu hạ tầng giao thông của Việt Nam được kết nối mạnh mẽ khi hệ thống cảng biển, đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, cảng hàng không được mở rộng và hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho di chuyển, lúc đó bất động sản Việt Nam là điểm đến không thể hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

HẤP DẪN VÌ ĐỒNG NỘI TỆ ỔN ĐỊNH

Theo đánh giá của ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, thị trường bất động sản toàn cầu trong năm 2023 sẽ diễn biến chậm hơn. “Bóng ma” lãi suất cao sẽ kìm hãm lạm phát trên toàn thế giới. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu bất động sản nói chung sẽ có chiều hướng giảm và Việt Nam cũng không ngằm ngoài xu hướng đó. 

Ông Troy cho rằng điểm thú vị của Việt Nam so với các thị trường khác nhờ tốc độ đô thị hóa 42%. Trong mắt các nhà đầu tư, Việt Nam vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước với quá trình đô thị hóa cùng với lượng dân số ở tầng lớp trung lưu và giàu có ngày càng tăng.

Tuy nhiên, nguồn cung căn hộ hạng C đang thiếu hụt, trong khi nhu cầu căn hộ hạng C sẽ tiếp tục tăng trong một thời gian dài. Đây là phân khúc sẽ được chú trọng trong thời gian tới để giảm sự lệch pha, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

Phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển khi Savills đang chứng kiến ​​rất nhiều dự án sản xuất được xây dựng và sự tăng trưởng về giá trong lĩnh vực đó. Cùng lúc đó, hệ thống cơ sở hạ tầng trên khắp cả nước giúp làm tăng giá trị của các dự án bất động sản công nghiệp ở nhiều địa phương.

Một lĩnh vực ngách là dịch vụ về hậu cần, kho lạnh đang nổi lên sẽ khá thú vị nhờ sự tăng trưởng của ngành bán lẻ. Ngành Khoa học dữ liệu cũng đang phát triển nhanh với nhu cầu cao về trung tâm dữ liệu (data center). Với tất cả những yếu tố đó, vị này cho biết rất lạc quan về sự phát triển của phân khúc này trong năm 2023.

“Đối với các nhà đầu tư cá nhân, 6 tháng đầu năm sẽ là thời gian quan trọng để họ quan sát trước khi đưa ra quyết định. Trong bối cảnh những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu đang dịu lại, các nhà đầu tư không nên vội vã rút khỏi thị trường. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đang làm rất tốt trong việc giữ giá đồng VND ổn định so với các loại tiền tệ khác. Bất động sản là một khoản đầu tư dài hạn. Các nhà đầu tư cảm thấy bất an về những rủi ro từ 1-2 năm nên tìm một kênh đầu tư phù hợp hơn bởi nếu nhìn vào bức tranh tổng thể, thị trường bất động sản Việt Nam đang có vị thế rất tốt”, vị chuyên gia này khuyến nghị.

Liên quan trái phiếu và các cuộc điều tra có đang tác động đến thị trường vốn cho bất động sản, ông Troy cho biết việc này cũng giống như bất kỳ quốc gia mới nổi khác trên thế giới, Việt Nam cần phải trải qua quá trình này, cần có quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ các nhà đầu tư.