13:52 16/09/2024

Nhà giàu Mỹ xoay đủ cách né thuế trước khi có tổng thống mới

Hoài Thu

Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút, giới nhà giàu ở nước này đang tích cực làm việc với các luật sư để sắp xếp bảo vệ tài sản trước những thay đổi về thuế dưới chính quyền mới...

Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump dự kiến đối đầu trong cuộc bầu cử vào ngày 5/11 tới - Ảnh: WSJ
Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump dự kiến đối đầu trong cuộc bầu cử vào ngày 5/11 tới - Ảnh: WSJ

Theo tờ Wall Street Journal, nếu đạo luật thuế do cựu Tổng thống Donald Trump ký năm 2017 không được gia hạn sau khi hết hạn vào năm 2025 – kịch bản nhiều khả năng sẽ xảy ra nếu Phó tổng thống Kamala Harris đắc cử và đảng Dân chủ giành đa số ghế trong Quốc hội – thì mức tài sản tối thiểu phải chịu thuế di sản (thuế thừa kế) sẽ giảm một nửa xuống còn gần 7 triệu USD.

GẤP RÚT BẢO VỆ TÀI SẢN KHỎI RỦI RO THUẾ

Theo Trung tâm Chính sách thuế Urban-Brooking, với điều chỉnh trên, khoảng gần 9.000 khối tài sản tại Mỹ sẽ phải chịu thuế thừa kế sau năm 2026, so với chỉ khoảng 4.000 vào năm 2025.

Nhiều cố vấn tài chính và nhà quản lý tài sản cho biết các gia đình giàu có sẵn sàng chi tiền để thuê họ để tránh phải nộp những khoản thuế thừa kế khổng lồ. Bằng cách cho bớt tài sản khi còn sống hoặc lập quỹ tín thác cho vợ/chồng hoặc con cái, giới giàu có thể giảm được hàng triệu USD khỏi khối tài sản phải chịu thuế thừa kế.

Hiện tại, cơ hội để nhà giàu Mỹ tránh nộp thuế như vậy đang giảm dần và nếu muốn thành lập quỹ tín thác thì cần thực hiện càng sớm càng tốt, trước khi có những thay đổi về chính sách thuế. Tuy nhiên, việc lập quỹ tín thác cũng có những chi phí và rủi ro nhất định, bao gồm việc phải chịu thuế thu nhập từ đầu tư vốn. Ngoài ra, cũng không có gì đảm bảo việc này sẽ giúp khối tài sản phải chịu thuế của họ sẽ thấp hơn ngưỡng chịu thuế sau khi đạo luật giảm thuế năm 2017 hết hạn.

Dù một số nghị sĩ đảng Dân chủ trong Quốc hội ủng hộ việc cải tổ thuế thừa kế, không chỉ dừng lại ở việc chấm dứt các chính sách theo đạo luật giảm thuế của ông Trump, bản thân bà Harris chưa công bố lập trường cụ thể về vấn đề này.

Luật sư Amy Elliott tại Danville, bang Indiana, cho biết bà đã giúp cha mình thành lập một quỹ tín thác không thể hủy ngang vào đầu năm nay. Ông đã chuyển 1 triệu USD vào quỹ này và đang đợi sau cuộc bầu cử mới quyết định sẽ chuyển vào thêm bao nhiêu.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục việc chuyển tiền vào quỹ tín thác nếu đảng Dân chủ giành được Nhà Trắng và đa số ghế trong Quốc hội”, bà Elliott cho biết.

Về phía cựu Tổng thống Donald Trump, ông muốn áp dụng vĩnh viễn chính sách trong đạo luật giảm thuế năm 2017. Theo các nhà phân tích, nếu một đảng nắm Nhà Trắng và đảng kia nắm một hoặc cả hai viện Quốc hội, điều này sẽ dẫn tới các cuộc đàm phán phức tạp và rối ren về các chính sách thuế sắp hết hạn.

RỦI RO NẾU ĐẢNG DÂN CHỦ THẮNG THẾ

Kể cả không có cuộc bầu cử, những năm gần đây, ngày càng nhiều gia đình tại Mỹ lập các quỹ tín thác để bảo vệ tài sản khỏi các chủ nợ, khả năng ly hôn cũng như để giảm thuế thừa kế.

Mức tài sản tối đa mà một người có thể chuyển giao cho người thừa kế mà không phải nộp thuế thừa kế tại Mỹ hiện là 13,61 triệu USD. Sau khi điều chỉnh theo lạm phát dự báo, ngưỡng này có thể sẽ là 13,99 triệu USD vào năm 2025 – theo tính toán của Wolters Kluwer Tax & Accounting. Nếu có một kế hoạch hợp lý, một cặp vợ chồng có thể bảo vệ số tài sản gấp đôi ngưỡng đó khỏi thuế thừa kế. Mức thuế thừa kế tối đa hiện tại là 40%.

Hiện tại, bằng cách cho tặng con cái bớt tài sản khi còn sống hoặc chuyển tiền qua một quỹ tín thác, giới giàu về cơ bản được miễn thuế thừa kế và giảm hàng triệu USD tiền thuế khi qua đời Một quỹ tín thác không thể hủy ngang thường không thể thay đổi trừ khi tất cả người thụ hưởng đồng ý hoặc tòa án chấp thuận thay đổi. 

Ông Tim Starkey, một nhà hoạch định tài chính tại Morristown, bang New Jersey, cho biết ông đã giúp một khách hàng lập một quỹ tín thác không thể hủy ngang trị giá 50 triệu USD cho ông và vợ vào năm ngoái. Cặp vợ chồng lập quỹ trước khi đạo luật giảm thuế năm 2017 hết hạn và chuẩn bị cho những thay đổi trong trường hợp đảng Dân chủ thắng thế trong cuộc bầu cử ngày 5/11 tới. Họ đã chuyển 24 triệu USD tài sản gồm vốn cổ phần tư nhân vào quỹ và dự định chuyển thêm trong năm nay và năm 2025.

“Rủi ro với nhà giàu rất cao, đặc biệt là nếu các đề xuất của đảng Dân chủ khiến các thủ thuật lách thuế này không còn tác dụng trở thành hiện thực”, ông Robert Keebler, một kế toán công chứng tại Green Bay, bang Wisconsin, cho biết.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đề xuất siết kiểm soát với các quỹ tín thác mà nhiều gia đình giàu có tận dụng để “lách” thuế thừa kế qua nhiều thế hệ. Ông Biden cũng đề xuất sửa đổi quy tắc định giá tài sản được đưa vào các quỹ tín thác để người sáng lập không được giảm quá nhiều thuế.

Ngoài ra, chính quyền Biden cũng muốn thay đổi các quy tắc ủy thác mà theo đó người thành lập quỹ trả thuế thu nhập của quỹ và chuyển nhiều tài sản miễn thuế hơn cho thế hệ sau. Chiến dịch của bà Harris cho biết ủng hộ các đề xuất về thuế nói trên của ông Biden.