18:18 18/07/2023

Nhân lực thiếu hụt... "thách thức" ngành Game

Anh Nhi

Thiếu hụt nhân lực đang khiến mục tiêu đạt cột mốc doanh thu 1 tỷ USD của ngành game trong 5 năm tới trở nên thách thức…

Thống kê chi tiêu cho game trên phạm vi toàn cầu phân theo từng loại hình thiết bị.
Thống kê chi tiêu cho game trên phạm vi toàn cầu phân theo từng loại hình thiết bị.

Chia sẻ tại Hội thảo “Thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Game” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Công ty Gamegeek Asia, Hiệp hội Phát triển Game Việt Nam và Công ty LacBird tổ chức ngày 18/7, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc NIC nhận định thiếu hụt nhân lực đang là một trong những nguyên nhân chính cản trở đà phát triển của ngành game Việt Nam.

“Nếu sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành này, Việt Nam sẽ ngày càng chủ động phát triển những game lành mạnh, hấp dẫn, coi ngành game như một lĩnh vực sản xuất/xuất khẩu nội dung số bằng công nghệ, tương tự như phim ảnh, hội họa… Như vậy không chỉ đem lại doanh thu, thu hút đầu tư từ nước ngoài mà còn quảng bá được văn hóa Việt Nam ra thế giới”, ông Thịnh nói.

GAME VIỆT NGÀY CÀNG CÓ CHỖ ĐỨNG TRÊN BẢN ĐỒ THẾ GIỚI

Đánh giá về thực trạng ngành game Việt hiện nay, bà Vũ Minh Hạnh, Chánh Văn phòng Hiệp hội Phát triển Game Việt Nam, cho biết ngành sản xuất game đã vươn lên là một ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao với tốc độ tăng trưởng đều đặn khoảng 10%/năm.

“Đặc biệt, ngành game Việt đã khẳng định được chỗ đứng trên bản đồ khu vực và thế giới”, bà Hạnh nói.

Theo Báo cáo Data.ai 2021 vừa được công bố, Việt Nam hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á năm 2020 về số lượt tải xuống, chiếm 22% tổng lượt tải xuống toàn khu vực (xếp sau Indonesia với 38%).

Xét trên toàn cầu, số lượt tải về của các tựa game do Việt Nam phát hành xếp thứ 7 và cứ mỗi 25 game được tải thì sẽ có một cái tên do Việt Nam gia công.

Việt Nam cũng xếp đầu bảng của khu vực Đông Nam Á, Australia và New Zealand (ANZSEA) khi có đến 5 cái tên góp mặt trong danh sách top 10 công ty phát hành game lớn nhất khu vực bao gồm Amanotes, OneSoft, GameJam, VNG và Arrasol.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Đáng chú ý, chỉ riêng tại Việt Nam hiện nay đã có hơn 2.000 studio game với khoảng 430.000 nhân lực. Dù đang duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ song theo bà Hạnh, “ngành game Việt vẫn đang rất “khát” nhân lực”.  Thậm chí, sự thiếu hụt này có thể khiến mục tiêu đạt cột mốc doanh thu 1 tỷ USD của ngành game trong 5 năm tới trở nên rất thách thức.

NGÀNH GAME KHÁT NHÂN LỰC

Hiểu được thực trạng ngành game Việt, hiện nay, tại nhiều công ty công nghệ, công ty phát hành game có một bộ phận đào tạo và phát triển thực hiện chương trình như Game Development Fresher, Tech Fresher… nhằm đào tạo, sàng lọc các lập trình viên, thiết kế game trong tương lai.

Hay tại Trường đại học Anh quốc Việt Nam (British University Vietnam - BUV), bắt đầu từ năm 2020, khoa thiết kế và lập trình game học theo chương trình đào tạo và cấp bằng chính thức của Đại học Staffordshire (Vương quốc Anh) đã trở thành chuyên ngành đào tạo mũi nhọn.

“Thực tế này cho thấy nhu cầu nhân lực ngành game đang rất bức xúc và đòi hỏi cần có những giải pháp cho sự thiếu hụt nhân sự chất lượng cao ngành sản xuất game nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường”, ông Thịnh nêu quan điểm.

Trong danh mục tuyển dụng lương cao tại Việt Nam hiện nay thì lập trình viên ngành game đang đứng top đầu. Lương khởi điểm cho lập trình game, thiết kế game có thể dao động từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, đối với nhân sự có kinh nghiệm sẽ có mức thu nhập từ 20 - 35 triệu đồng/tháng. Bên cạnh mức lương chính thức, lập trình viên, nhà thiết kế game có thể được nhận phụ cấp, hoa hồng cho mỗi dự án thành công. Nhìn chung, tổng thu nhập phụ thuộc vào hiệu suất công việc.

Mặc dù thu nhập ngành game thuộc “hàng khủng” nhưng hiện nay các công ty không dễ tuyển. Theo Hiệp hội Phát triển Game Việt Nam, chỉ khoảng 30% nhân lực đáp ứng được kỳ vọng của các công ty phát triển và phát hành game.

Theo đó, ông Thịnh cho rằng bên cạnh việc hỗ trợ, thúc đẩy các startup, studio game tiềm năng tiến xa hơn, các cơ quan quản lý Việt Nam cũng cần có những chính sách, chiến lược “dài hơi” để ươm mầm và nuôi dưỡng lực lượng lao động ngành game sáng tạo và có nhiều kỹ năng, đồng thời tạo điều kiện cho ngành công nghiệp game phát triển bền vững.