19:06 22/07/2025

Nhanh chóng nắm bắt các xu hướng chính sách thương mại của EU để gia tăng xuất khẩu

Vũ Khuê

Từ năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang EU bắt đầu khởi sắc và tiếp đà tăng khá trong năm 2025 với dự kiến khoảng 30%. Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng từ các thay đổi chính sách vĩ mô và quy định về kinh tế, thương mại của nước sở tại…

Triển khai chương trình Thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nông lâm thủy sản nhằm tăng sức cạnh tranh xuất khẩu sang EU.
Triển khai chương trình Thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nông lâm thủy sản nhằm tăng sức cạnh tranh xuất khẩu sang EU.

Theo Eurostat, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 17 của EU, đối tác nhập khẩu lớn thứ 11 từ ngoài khối và lớn nhất trong khối Asean. Việt Nam liên tục xuất siêu hàng năm. Thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của EU tăng chậm nhưng vững chắc từ mức 1,8% năm 2019 lên mức 2,28% vào năm 2024.

Năm 2024, Việt Nam xuất vào EU đạt 54,8 tỷ Euro tăng 14,82% và nhập khẩu từ EU đạt 12,25 tỷ Euro tăng 7,18%. 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất sang EU đạt 20,76 tỷ Eur, tăng 27% và nhập khẩu đạt 3,63 tỷ Eur, tăng 3% so với 4 tháng năm 2024.

LỘ TRÌNH MIỄN THUẾ CỦA EVFTA BẮT ĐẦU PHÁT HUY HIỆU LỰC

Theo ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EU, những kết quả tích cực này phần lớn là nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) bắt đầu phát huy hiệu lực sau 5 năm triển khai. EVFTA cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU theo một lộ trình ngắn, đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam nhận được từ một đối tác trong các hiệp định FTA đã ký kết.

Việc thực thi EVFTA giúp tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, đặc biệt về giá, so với các sản phẩm cùng loại từ các nước châu Á khác trên thị trường EU. Điều này càng có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Ngoài ra, sức mua của người tiêu dùng EU đã được cải thiện từ năm 2024, và hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là thực phẩm chế biến, ngày càng được biết đến và ưa chuộng. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản, dệt may, giày dép đã và đang hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan theo EVFTA, giúp nhiều mặt hàng của Việt Nam như gạo, tôm, hạt điều, trái cây và các sản phẩm chế biến có lợi thế cạnh tranh và cơ hội mở rộng thị trường tại EU.

Một yếu tố thuận lợi khác là EU coi trọng quan hệ với Việt Nam, và hàng hóa Việt Nam không trùng lặp, không cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của EU. Người tiêu dùng châu Âu cũng ngày càng cởi mở và ưa chuộng hàng hóa châu Á chất lượng.

Đặc biệt, xu hướng các doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu tham gia nhập khẩu trực tiếp hàng hóa từ Việt Nam để phân phối đã tạo ra một hệ sinh thái mới, liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với hệ thống cửa hàng, nhà hàng châu Á tại EU và bước đầu thâm nhập vào các hệ thống siêu thị lớn của EU.

THÁCH THỨC TỪ CÁC QUY ĐỊNH MỚI

Mặc dù có nhiều triển vọng, song xuất khẩu sang thị trường EU vẫn đối mặt với không ít thách thức. Ông Trần Ngọc Quân chỉ ra những ảnh hưởng từ thay đổi chính sách vĩ mô và quy định kinh tế, thương mại của EU, như việc giám sát hóa chất (ethylen và amoniac) nhập khẩu, yêu cầu an toàn đồ chơi thắt chặt hơn, và phân loại rủi ro cho các đối tác thương mại theo Luật chống phá rừng (EUDR).

Các quy tắc xuất xứ của EU cũng rất chặt chẽ. Để được hưởng ưu đãi thuế quan, nguyên liệu sản xuất phải đáp ứng tỷ lệ hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU hoặc Việt Nam). Đây là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam vì nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các nước ASEAN.

Ngoài ra, các yêu cầu bắt buộc về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn và môi trường của EU rất khắt khe, không dễ đáp ứng. Trong khi đó, hàng hóa Việt Nam chủ yếu là hàng gia công, nông sản xuất thô, chưa tạo được giá trị gia tăng cao, dẫn đến lợi nhuận còn thấp. Nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của EU.

Khi rào cản thuế quan không còn hiệu quả, EU có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa, tiềm ẩn nguy cơ lớn cho hàng hóa Việt Nam.

Ngoài ra, chi phí logistics chưa được cải thiện, đặc biệt là vận chuyển đường không, làm giảm khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại từ các nước Nam Mỹ, châu Phi và Trung Đông xuất khẩu sang EU.

Công tác bảo quản, công nghệ sau thu hoạch, bao bì đóng gói và thiết kế mẫu mã cho trái cây tươi của Việt Nam còn hạn chế, dẫn đến thời gian bảo quản ngắn, tỷ lệ hao hụt cao và mẫu mã chưa phù hợp với thị hiếu của EU.

Chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại tại EU chưa được thực hiện bài bản và dài hạn. Năng lực nội tại của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu về chuẩn bị nguyên liệu, đầu tư công nghệ, xây dựng thương hiệu, chi phí tiếp thị và nghiệp vụ ngoại thương. Thêm vào đó, EU liên tục cập nhật và gia tăng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) đối với nông sản nhập khẩu.

Đặc biệt, thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ sang tiêu dùng xanh, sạch, đòi hỏi các sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững về lao động và môi trường. Người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến giá cả và chất lượng mà còn chú trọng quy trình sản xuất hàng hóa.

XÂY DỰNG 2 LIÊN MINH LỚN: NHÀ XUẤT KHẨU TRÁI CÂY VÀ THỦY SẢN

Để gia tăng thị phần tại EU, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU khuyến nghị Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt các xu hướng chính sách thương mại của EU, đặc biệt là xu hướng phát triển xanh, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng sạch và kinh tế tuần hoàn.

Cụ thể, cần nghiên cứu dự thảo mới của EU yêu cầu sản phẩm gỗ, cà phê, ca cao xuất khẩu sang EU sau ngày 31/12/2020 phải có giấy chứng nhận không liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng.

Việt Nam cũng cần có cơ chế đầu tư, quản lý và cấp chứng chỉ carbon cho các mặt hàng thép, xi măng, sắt, phân bón xuất khẩu vào EU để đáp ứng quy định CBAM của EU dự kiến thực thi từ năm 2026, và tận dụng nguồn vốn từ cam kết JETP để phát triển các dự án chuyển đổi năng lượng xanh, sạch.

Nhằm tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường nông lâm thủy sản, ông Trần Ngọc Quân đề xuất cần đàm phán mở rộng danh mục giống gạo thơm như ST25, ST24 và một số giống mới trong danh mục gạo thơm; đồng thời mở rộng hạn ngạch gạo xuất khẩu vào EU trong khuôn khổ EVFTA. Cần đàm phán với EU để mở cửa thị trường sản phẩm động vật và công nhận danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm động vật sang EU.

Các giải pháp khác bao gồm triển khai chương trình Thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu sang EU như cà phê, tiêu, điều, tôm, cá tra. Rà soát và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, bền vững phù hợp và tham chiếu các tiêu chuẩn EU.

Việt Nam cũng cần xây dựng hai liên minh lớn giữa các nhà xuất khẩu trái cây và thủy sản để thiết lập chuỗi cung ứng và kênh phân phối ổn định tại thị trường EU thông qua kênh siêu thị thực phẩm. Xây dựng trung tâm logistics lạnh thông minh kết nối vùng sản xuất trái cây và các cảng trung chuyển trọng điểm, đồng thời có chương trình cụ thể để giảm cước phí vận tải từ Việt Nam sang EU.

Cuối cùng, cần xây dựng và thực hiện chiến lược quảng bá nông lâm thủy sản tại thị trường EU một cách bài bản, dài hạn, tích hợp với các hoạt động quảng bá văn hóa và du lịch.