18:07 10/11/2019

Nhật Bản dẫn đầu về thu hút lao động Việt Nam

Nhật Dương

Vượt qua Đài Loan, Nhật Bản trở thành thị trường thu hút đông nhất lao động Việt Nam sang làm việc trong tháng 10

Nhật Bản đang là thị trường hấp dẫn lao động Việt Nam.Ảnh minh họa.
Nhật Bản đang là thị trường hấp dẫn lao động Việt Nam.Ảnh minh họa.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 10/2019 là 13.415 lao động. Con số này bằng 92,2% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 10/2018 là 14.548 lao động).

Trong tháng 10, Nhật Bản dẫn đầu trong số các thị trường về thu hút lao động Việt Nam sang làm việc với 8.327 lao động, tiếp đến là Đài Loan với 4.216 lao động, Hàn Quốc với 647 lao động, Macao 116 lao động. Các thị trường khác có số lượng lao động đi làm việc dưới 100 người như Các Tiểu vương quốc Ả - rập thống nhất, Ả rập - Xê út và một số thị trường khác.

Như vậy, trong 10 tháng năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 118.030 lao động. Con số này đạt 98% kế hoạch năm 2019, với mục tiêu là đưa 120.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tính chung 10 tháng, Nhật Bản vẫn là thị trường có đông lao động Việt Nam đi làm việc nhất với 61.937 lao động, vượt Đài Loan với 45.390 lao động.

Cũng theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, nhiều tháng liên tiếp (từ tháng 7 đến nay) Nhật Bản đã vượt qua Đài Loan, trở thành điểm đến hấp dẫn của lao động Việt Nam không chỉ bởi tiền lương khá, mà còn là thị trường phát triển khoa học-kỹ thuật và công nghệ cùng kỹ năng lao động cao.

Mới đây nhất, Nhật Bản cũng đã chính thức mở cửa cho lao động kỹ năng đặc định của Việt Nam sang nước này làm việc theo chương trình mới. Như vậy, thời gian tới, số lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên.

Với chương trình mới cho lao động kỹ năng đặc định, hiện phía Nhật Bản xem xét tuyển dụng lao động trong 14 ngành nghề gồm: xây dựng, đóng tàu/công nghiệp tàu thủy, nông nghiệp, hộ lý, lưu trú, sản xuất thực phẩm/đồ uống, nhà hàng, ngư nghiệp, vệ sinh tòa nhà, công nghiệp rèn đúc, công nghiệp điện/ điện tử/thông tin, bảo dưỡng/ sửa chữa ô tô và hàng không.