07:37 03/03/2010

Nhiều blue-chip giảm sâu, Phố Wall vẫn khởi sắc

Duy Cường

Nhiều cổ phiếu blue-chip khối công nghệ và ngân hàng sụt giảm về cuối phiên đã kìm hãm đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ

Nhiều cổ phiếu khối công nghệ, ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn, có sức ảnh hưởng tới thị trường đã mất điểm nên cũng kéo các chỉ số chính giảm đà tăng điểm về cuối phiên - Ảnh: Reuters.
Nhiều cổ phiếu khối công nghệ, ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn, có sức ảnh hưởng tới thị trường đã mất điểm nên cũng kéo các chỉ số chính giảm đà tăng điểm về cuối phiên - Ảnh: Reuters.
Nhiều cổ phiếu blue-chip khối công nghệ và ngân hàng sụt giảm về cuối phiên đã kìm hãm đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ.

Hôm thứ Ba, các nhà sản xuất ôtô lớn đều công bố mức tăng trưởng doanh số trong tháng 2/2010 tại thị trường Mỹ, ngoại trừ Toyota. Cụ thể, trong tháng 2 đã có 10,38 triệu chiếc xe được bán ra. Trong đó Toyota là nhà sản xuất lớn duy nhất công bố doanh số bán ra suy giảm (-9%), trước ảnh hưởng của vụ thu hồi xe hàng loạt để khắc phục lỗi.

Ở chiều ngược lại, Ford thông báo doanh số đã tăng tới 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn doanh số bán xe của GM tăng 12%. Các hãng xe đến từ Nhật là Honda, Nissan và Hyundai (Hàn Quốc) đều tăng trưởng doanh số với mức tăng lần lượt là 12%, 29% và 11%.

Trong một diễn biến đáng chú ý trong ngày, trả lời kênh truyền hình CNBC, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) tại Kansas (Mỹ) và là một thành viên trong Hội đồng Thị trường mở Liên bang, ông Thomas Hoenig cho biết FED nên sớm tăng lãi suất cơ bản.

“Tôi nghĩ chúng ta không nên duy trì mức lãi suất thấp gần bằng 0% lâu thêm nữa. Tôi nghĩ khủng hoảng đã đi qua hơn 1 năm và nền kinh tế của chúng ta đang phục hồi. Chúng ta cũng không thể dự báo được tương lai và do đó cũng không nên đưa ra sự đảm bảo duy trì lãi suất ở mức thấp. Tôi nghĩ thị trường tự điều tiết nếu thị trường biết lãi suất cơ bản không ở mức 0% mãi được và không cũng nên để điều đó xảy ra”, ông Thomas Hoenig nói.

Chuyển qua diễn biến của thị trường chứng khoán, mở cửa ngày giao dịch với mức tăng điểm khá, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ tiếp tục có được những nhân tố hỗ trợ để duy trì đà tăng điểm. Thương vụ mua bán sáp nhập giữa Prudential -AIA và vấn đề nợ công ở Hy Lạp đang có những chuyển biến tích cực hơn, là những nhân tố hỗ trợ tích cực.

Mức tăng trưởng cao nhất trong ngày giao dịch được thiết lập vào lúc hơn 14h chiều (giờ địa phương), nhưng cũng sau thời điểm đó thị trường bắt đầu đi xuống. Từ mức tăng 0,4-0,8%, S&P 500 và Nasdaq đã giảm hơn một nửa giá trị, còn Dow Jones chỉ tăng nhẹ khi kết thúc ngày giao dịch.

Nguyên nhân đẩy thị trường giảm điểm về cuối phiên là sự thận trọng của nhà đầu tư trước thời điểm công bố về tình trạng thất nghiệp ở Mỹ sắp diễn ra. Dự kiến ngày 3/3, ADP sẽ công bố báo cáo về tình trạng cắt giảm việc làm của khối doanh nghiệp tư nhân và 2 ngày sau đó Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố về tình trạng thất nghiệp trong tháng 2/2010.

Ngoài các yếu tố trên, nhiều cổ phiếu khối công nghệ, ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn, có sức ảnh hưởng tới thị trường đã mất điểm nên cũng kéo các chỉ số chính giảm đà tăng điểm. Trong đó, cổ phiếu Microsoft giảm 1,93%, cổ phiếu Bank of America mất 1,62%, cổ phiếu Intel trượt 0,81%, IBM hạ 0,94%...

Điểm đáng chú ý là cổ phiếu của Ford lại giảm 1,45% sau khi hãng này công bố doanh số bán ôtô tháng 2 tăng hơn 40%. Còn cổ phiếu Toyota niêm yết trên thị trường New York lại tăng 1,21% sau khi hãng công bố doanh số bán ra tại thị trường Mỹ giảm 9%.

Phiên này, trên sàn New York, American Stock Exchange và Nasdaq, khối lượng giao dịch đạt 8,41 tỷ cổ phiếu. Trên sàn New York, thị trường cứ có 5 cổ phiếu tăng điểm thì có 2 cổ phiếu giảm điểm.

Nhiều blue-chip giảm sâu, Phố Wall vẫn khởi sắc - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến của ba chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 2/3 - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 2/3: chỉ số Dow Jones lên 2,19 điểm, tương đương 0,02%, chốt ở mức 10.405,98.

Chỉ số Nasdaq tiến thêm 7,22 điểm, tương đương 0,32%, chốt ở mức 2.280,79.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 nhích 2,6 điểm, tương ứng 10,23%, đóng cửa ở mức 1.118,31.

Những thông tin đáng chú ý trong tuần:

Thứ Tư: ADP công bố báo cáo về tình trạng cắt giảm việc làm của khối doanh nghiệp tư nhân; công bố chỉ số ISM ngành dịch vụ.

Thứ Năm: Công bố số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu; số đơn đặt hàng từ các nhà máy; công bố doanh số nhà chờ bán; Ngân hàng Trung ương Anh và châu Âu công bố quyết định về lãi suất cơ bản.

Thứ Sáu: Bộ Lao động Mỹ công bố tỷ lệ thất nghiệp tháng 2; công bố tín dụng lĩnh vực tiêu dùng.

Thị trường Chỉ số Phiên trước Đóng cửa Tăng/giảm (điểm) Tăng/giảm (%)
MỹDow Jones10.403,7910.405,98Up  2,19Up0,02
Nasdaq2.273,572.280,79Up  7,22Up0,32
S&P 5001.115,711.118,31Up  2,60Up0,23
AnhFTSE 1005.405,945.484,06Up78,12Up1,45
ĐứcDAX5.713,515.776,56Up63,05Up1,10
PhápCAC 403.769,543.811,92Up42,38Up1,12
Đài LoanTaiwan Weighted7.577,757.597,62Up19,87Up0,26
Nhật BảnNikkei 22510.172,0610.221,84Up49,78Up0,49
Hồng KôngHang Seng21.056,9320.901,19Down155,74Down0,74
Hàn QuốcKOSPI Composite1.594,581.615,12Up20,54Up1,29
SingaporeStraits Times2.774,282.772,20Down  1,86Down0,07
Trung QuốcShanghai Composite3.087,843.073,11Down14,73Down0,48
Ấn ĐộBSE16.429,5516,751,82Up322,27 Up1,96
AustraliaASX4.694,904.709,90Up15,00Up0,32
Việt NamVN-Index 503,01501,00Down  2,01Down0,40
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomber