Nhiều công trình giao thông đầu tư từ nguồn ngân sách xuống cấp nhanh, Bộ Giao thông vận tải nói gì?
Thực tế cho thấy nhiều công trình giao thông đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước xảy sự cố, hư hỏng, chất lượng kém. Để khắc phục tình trạng này, từ đầu năm đến nay, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì 58 đoàn kiểm tra hiện trường với các dự án trọng điểm...
Trên thực tế, các công trình giao thông được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước chất lượng kém, công tác giám sát chưa thường xuyên, chặt chẽ dẫn đến công trình nhanh hư hỏng, xuống cấp. Do đó, cử tri các tỉnh, thành đề nghị cần có chính sách hợp lý cho công tác kiểm tra, giám sát các công trình giao thông đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước.
Gần đây nhất, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được coi là dự án vướng nhiều tai tiếng về chất lượng, khiến nhiều cựu lãnh đạo của Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) bị khởi tố. Các đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên vẫn chưa chấp hành các quyết định xử phạt hành chính và những hư hỏng, tồn tại trên vẫn không được sửa chữa, khắc phục.
Cùng với đó, những hệ luỵ từ thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khiến người dân Quảng Ngãi, Quảng Nam... nhiều năm trời phải gánh hậu quả.
Theo Bộ Giao thông vận tải, công tác kiểm tra, giám sát luôn được coi trọng; bảo đảm chất lượng công trình là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến giai đoạn thực hiện và hoàn thành các dự án xây dựng công trình giao thông.
"Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án triển khai chậm tiến độ, chất lượng chưa đạt yêu cầu quy định. Cá biệt, đối với một số công trình còn để xảy sự cố, hư hỏng, chất lượng kém như phản ảnh của cử tri nêu trên. Việc dẫn đến những sự cố, hư hỏng... do nhiều nguyên nhân về khách quan và chủ quan, trong đó, có phần là do năng lực các chủ thể tham gia thực hiện các dự án giao thông yếu kém", Bộ Giao thông vận tải thừa nhận.
Thời gian qua, nhìn chung các dự án xây dựng công trình giao thông hoàn thành đảm bảo yêu cầu về tiến độ và chất lượng, phát huy được hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải chủ động xây dựng trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chất lượng công trình giao thông.
Đồng thời, đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền trong quản lý đầu tư, xây dựng công trình; phân định rõ trách nhiệm đối với các chủ thể tham gia thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông.
"Đặc biệt là quy định gắn trách nhiệm về tiến độ, chất lượng đối với người đứng đầu các chủ đầu tư và chủ thể trực tiếp tham gia thực hiện các dự án", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc để kịp thời giải quyết, xử lý, tháo gỡ khó khăn phát sinh, nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án giao thông.
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hợp lý, chặt chẽ cho công tác quản lý chất lượng các công trình giao thông đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước.
Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên hơn nữa trong việc thực hiện kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng xảy ra sự cố, hư hỏng, xuống cấp đối với các dự án đầu tư công trình giao thông.
Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì 58 đoàn kiểm tra hiện trường đối với các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải. Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông là cơ quan chuyên môn về xây dựng của Bộ Giao thông vận tải, chủ trì 91 đợt kiểm tra, giám sát các dự án.