08:29 07/02/2011

Nhiều “đại gia” Ai Cập muốn rút tiền ra khỏi đất nước

Diệp Anh

Những người giàu có ở Ai Cập đang cân nhắc chuyển tiền ra khỏi đất nước này nhằm đảm bảo tài chính của họ không bị phong tỏa

Biểu tình đã gây thiệt hại nặng cho kinh tế Ai Cập.
Biểu tình đã gây thiệt hại nặng cho kinh tế Ai Cập.
Những người giàu có ở Ai Cập đang cân nhắc chuyển tiền ra khỏi đất nước này, nhằm đảm bảo tài chính của họ không bị phong tỏa nếu Tổng thống Hosni Mubarak rời nhiệm, và điểm đến ưa thích của các đại gia này là Thụy Sỹ, hãng tin Bloomberg cho hay.

"Chúng tôi đang nhận được những câu hỏi về việc chuyển tiền" từ Ai Cập tới Thụy Sỹ, một giám đốc nhà băng cho hay. Ông nói, một số khách hàng đã hỏi về việc chuyển từ 10 - 15 triệu USD ra khỏi Ai Cập.

Theo hãng tin BBC, hôm qua, một số ngân hàng ở Ai Cập đã mở cửa trở lại trong một vài giờ, sau một tuần phải đóng cửa do ảnh hưởng của các cuộc biểu tình, phản đối ngoài đường phố.

Động thái này của các ngân hàng diễn ra sau khi Chính phủ cảnh báo về những thiệt hại mà tình trạng bất ổn đang tiếp diễn có thể gây ra cho nền kinh tế quốc dân. "Chúng tôi muốn mọi người trở lại làm việc, để được trả tiền và cuộc sống được trở lại bình thường," chỉ huy quân đội Hassan al-Roweny nói.

Tuần trước, ngân hàng Credit Agricole cho biết các cuộc biểu tình đã gây thiệt hại cho đất nước Bắc Phi này ở mức ít nhất 310 triệu USD mỗi ngày. Các nhà kinh tế tại các ngân hàng khác cũng hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của họ đối với Ai Cập trong năm nay từ 5,3% xuống 3,7%.

Sau một tuần đóng cửa liên tục, đồng tiền Ai Cập, khi mở cửa trở lại, yếu hơn so với đồng đôla, mặc dù chưa yếu đến mức mà một số chuyên gia dự đoán. Các loại tiền tệ được giao dịch ở mức khoảng 5,90 ăn một đô-la, thấp dưới mức 5,8550 trước khi các ngân hàng bị đóng cửa.

"Tôi tin tưởng rằng thị trường sẽ tái bình ổn," Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ai Cập Farouk el-Okdah cho biết vào cuối ngày 5/2, trước khi thị trường mở cửa trở lại.

Khi mọi người chen lấn nhau để vào ngân hàng, các nhân viên đã cố gắng lập một số hệ thống dịch vụ để xử lý nhu cầu lớn đột xuất của các khách hàng. Trong tuần qua, do các ngân hàng phải đóng cửa, nhiều người dân Ai Cập đã phải xếp hàng dài tại các máy rút tiền ATM để có thể nhận tiền mặt.

Trong lúc đó, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã hội đàm với các bộ trưởng trong nội các, cố gắng để tạo động lực để nền kinh tế chuyển động. Thị trường chứng khoán Ai Cập, hiện vẫn còn đóng cửa, giảm điểm số khoảng 20% so với các mức từ đầu năm nay.

Trong khi đó, nhiều cửa hàng đã bị đóng cửa trong suốt 12 ngày biểu tình, và giá cả một số mặt hạng đã bị đẩy lên cao. Bộ trưởng Bộ Thương mại Samiha Fawzi Ibrahim cho biết xuất khẩu đã giảm 6% trong tháng 1. Ông cũng nói chính quyền đã cung ứng thực phẩm bổ sung, để ổn định giá cả và giảm bớt sự thiếu hụt.

Nhiều nhà máy ở các thành phố lớn vẫn còn đóng cửa và truyền thông nhà nước cho hay thị trường chứng khoán sẽ không mở cửa vào ngày thứ Hai, như đã được lên kế hoạch từ trước.

Tuần trước, Phó Tổng thống Omar Suleiman cho biết một triệu khách du lịch nước ngoài đã phải chạy khỏi nước này trong suốt chín ngày trước đó, làm ngành du lịch thiệt hại tới một tỷ USD doanh số. Du lịch là một trong các ngành kinh tế quan trọng của quốc gia này, với thu nhập chiếm tới 6% GDP.