16:17 27/06/2023

Nhiều đơn vị ì ạch giải ngân vốn đầu tư công dưới 10%, kéo lùi tỷ lệ chung cả nước

Trâm Anh

Tính đến cuối tháng 5, vẫn còn tới 32 bộ và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, chỉ đạt dưới 10%. Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khắc phục triệt để các nguyên nhân chủ quan gây chậm giải ngân...

Tỷ lệ giải ngân mới đạt 22,22% theo kế hoạch Thủ tướng giao sau 5 tháng.
Tỷ lệ giải ngân mới đạt 22,22% theo kế hoạch Thủ tướng giao sau 5 tháng.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân 5 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 20,80% và nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 22,22%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022 (22,37%); trong đó, vốn trong nước đạt 22,64% (cùng kỳ năm 2022 đạt 23,53%), vốn nước ngoài đạt 12,02% (cùng kỳ năm 2022 đạt 6,26%).

PHẦN LỚN BỘ NGÀNH CÙNG 16 ĐỊA PHƯƠNG GIẢI NGÂN CHẬM

Thời gian qua, Chính phủ cũng như các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công song, theo đánh giá, công tác giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 đến nay vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. 

Ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, qua tổng hợp kết quả kiểm tra của 5 tổ công tác của Chính phủ tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cho thấy, còn một số tồn tại ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, có ảnh hưởng của chiến tranh Ukraine - Nga đến chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến chậm nhập khẩu các vật tư, thiết bị kỹ thuật của một số dự án; đồng thời, cũng làm tăng giá đột biến nhiên liệu, vật liệu và thiết bị đầu vào, gây ra khó khăn cho các nhà thầu.

Bên cạnh đó, một số dự án phải điều chỉnh phương án kết cấu để đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy của Bộ Công an.

Đối với dự án đầu tư xây dựng tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, do có sự khác nhau giữa pháp luật sở tại và pháp luật Việt Nam nên công tác chuẩn bị đầu tư, công tác triển khai hồ sơ thiết kế thường kéo dài hơn rất nhiều so với dự án trong nước.

Cùng với đó, tình hình lạm phát toàn cầu, biến động về tỷ giá quy đổi thanh toán giữa VND và USD ảnh hưởng trực tiếp đến dự toán gói thầu đã được phê duyệt và công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan nêu trên, Vụ trưởng Trương Bá Đức cho rằng còn có những bộ, ngành, địa phương vẫn chưa vào cuộc với một quyết tâm cao nhất, do đó, tiến độ giải ngân vẫn còn chậm.

Điều đó được thể hiện ngay trong kết quả giải ngân. Theo đó, 5 tháng năm 2023, có 8 bộ và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Một số bộ, đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Tiền Giang (45,89%), Đồng Tháp (44,28%), Long An (40,06%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (40,04%).

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy có tới 39/52 bộ và 16/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó, có 32 bộ và 5 địa phương chỉ giải ngân rất thấp, đạt dưới 10% kế hoạch vốn như: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ...

KHẮC PHỤC TRIỆT ĐỂ NGUYÊN NHÂN CHỦ QUAN

Để đưa dòng vốn đầu tư công sớm chảy vào nền kinh tế, với chức năng quản lý, thanh toán vốn đầu tư công, Bộ Tài chính quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này.

Vụ trưởng Vụ Đầu tư cho biết Bộ Tài chính định kỳ tổng hợp vướng mắc, kiến nghị các cấp có thẩm quyền nhiều biện pháp tháo gỡ; chủ động rà soát thủ tục nội bộ, cải tiến quy trình, đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ, tổ chức kiểm tra thực tế một số dự án…

Mới đây, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị về cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước hàng năm. Hội nghị giúp thống nhất cách hiểu, cách làm của một số cơ chế, chính sách về đầu tư công, giúp các địa phương thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cụ thể về điều kiện bố trí vốn chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có cơ sở thống nhất thực hiện.

Đối với các bộ, cơ quan trung ương, Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện nghiêm túc các kết luật của các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần khắc phục triệt để các nguyên nhân chủ quan làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.