14:07 07/11/2019

Nhiều nơi công chức sách nhiễu dân, đại biểu "đòi" giải pháp mạnh từ Bộ trưởng

Hà Vũ

Cuối buổi sáng 7/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân là thành viên Chính phủ thứ ba đăng đàn trả lời chất vấn tại nghị trường

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn - Ảnh: Quang Phúc
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn - Ảnh: Quang Phúc

Chỉ có khoảng nửa tiếng để chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, song đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều vấn đề về tổ chức, bộ máy.

Cuối buổi sáng 7/11, Bộ trưởng Tân là thành viên Chính phủ thứ ba đăng đàn trả lời chất vấn tại nghị trường.

Nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng là việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và viên chức. Công tác đánh giá, xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Phát biểu trước khi nhận chất vấn trực tiếp, Bộ trưởng Tân cho biết thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy bước đầu đã giảm được 4 tổng cục 11 vụ.

Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì giảm nhiều như Cao Bằng giảm được 38 xã thuộc 8 huyện, Thanh Hoá giảm 76 xã, Hoà Bình giảm 59 xã, Phú Thọ giảm 52 xã…

Tinh giản biên chế đạt được kết quả khả quan, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức cũng được nâng lên, song Bộ trưởng nhìn nhận, sau 2 năm triển khai thực hiện mới đạt được kết quả bước đầu, chưa đạt được các mục tiêu nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề ra.

Khẳng định tầm quan trọng của công tác cán bộ, Bộ trưởng cũng cho biết thời gian qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ,  từ tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo...từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế và xử lý nghiêm các sai phạm, kỷ cương hành chính ngày càng được nâng cao.

 Tuy nhiên, những chất vấn sau đó của đại biểu cho thấy công tác cán bộ còn không ít hạn chế, bất cập.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng tình trạng tham nhũng vặt, gây khó dễ và sách nhiễu người dân và doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức còn diễn ra nhiều nơi nhưng chậm được khắc phục, gây bức xúc trong cử tri và xã hội.

Nguyên nhân của tình trạng này là do chế tài xử lý quy định trong Luật Cán bộ, công chức chưa đủ mạnh, còn rườm rà về thủ tục.  

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trong sửa đổi Luật Cán bộ, công chức lần này, Bộ trưởng có đề xuất gì mạnh tay hơn, mới hơn để siết chặt kỷ luật công vụ, xử lý các sai phạm nói trên.

Nội dung thứ hai được đại biểu Cầu chất vấn là hiện nay có bao nhiêu bộ, ngành chưa giảm được biên chế và tổ chức bộ máy. Bộ Nội vụ đã giảm được bao nhiêu đầu mối và bao nhiêu biên chế?

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) dẫn báo cáo của Bộ Nội vụ gửi đến Quốc hội, là cả nước chỉ có 0,63% công chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Cho rằng nếu như con số này là đúng thì rất đáng mừng, song đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết là con số 0,63% nêu trên có phản ánh đúng tình hình thực tế thực thi công vụ của công chức hay không, và nếu như không đúng thì nguyên nhân là do quy định về đánh giá phân loại công chức không phù hợp hay là do có sự nể nang  dĩ hoà vi quý trong quá trình đánh giá phân loại công chức?

Cả hai chất vấn nói trên đều chưa có câu trả lời do Quốc hội hết giờ làm việc buổi sáng.

Một số chất vấn về tinh giản biên chế làm sao để không loại bỏ nhầm người giỏi, người tài, giữ lại người kém? hay tinh giản biên chế liên quan đến giáo dục, y tế thì Bộ trưởng đã kịp trả lời.

Theo Bộ trưởng thì tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, y tế là vấn đề phức tạp. Thực tế ngành giáo dục, Y tế hiện nay đều đang than không đủ giáo viên đứng lớp, không đủ nhân viên y tế phục vụ việc khám chữa bệnh.

Bộ trưởng cũng cho biết, tổng biên chế sự nghiệp cả nước hiện nay là khoảng 1.800.000 người, riêng giáo viên khoảng hơn 1,5 triệu người, chiếm tỷ lệ rất lớn. Tính chung, biên chế cho giáo viên và nhân viên y tế chiếm tới khoảng 80% trên tổng số biên chế sự nghiệp.

Theo thống kê, ban đầu đã xác định 87.000 giáo viên các cấp còn thiếu. Ngành y tế cũng thiếu khoảng hơn 12.000 người.

Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo để xác minh cụ thể từng địa phương, từ đó có đề xuất Chính phủ và Bộ Chính trị để tiếp tục bổ sung biên chế để đảm bảo đúng chủ trương, có người học là phải có giáo viên, có người bệnh là phải có người chăm sóc, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Nội vụ cũng nhấn manh vấn đề cần tháo gỡ là định mức biên chế của ngành giáo dục và y tế đã xây dựng, áp dụng từ năm 2007, đến nay, sau 12 năm đã quá lạc hậu. Vậy nên 2 ngành này cần tiến hành xây dựng định mức, xác định cho rõ lại, tiến tới xây dựng lộ trình tự chủ và xã hội hoá trong các lĩnh vực để giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Ngành Nội vụ chỉ đặt vấn đề giảm số người hưởng lương từ ngân sách chứ không giảm nhân lực làm việc trong các đơn vị sự nghiệp.

Thực tế, vừa qua, các cơ quan Trung ương đã giảm được số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước khoảng 11,86%, vượt mục tiêu giảm 10% đề ta. Nhưng các địa phương, các đơn vị sự nghiệp thì việc tinh giản biên chế mới đạt 4,26% , Bộ trưởng nói.

Phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ sẽ kéo dài đến hết chiều 7/11.