19:09 17/03/2015

Nhiều tiếng nói phản đối dự thảo quy định nhập thiết bị cũ

Hà Anh

Đa số ý kiến doanh nghiệp, các văn phòng luật đều phản ứng khá quyết liệt với bản dự thảo thông tư này

Có ý kiến nêu tiêu chí “thời gian sử dụng không quá 10 năm” với việc nhập khẩu tất cả máy móc, thiết bị thuộc các ngành khác nhau là không hợp lý.
Có ý kiến nêu tiêu chí “thời gian sử dụng không quá 10 năm” với việc nhập khẩu tất cả máy móc, thiết bị thuộc các ngành khác nhau là không hợp lý.
Sáng 17/3, tại cuộc hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về  dự thảo lần 3, thông tư sửa đổi quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ… nhập khẩu đã qua sử dụng của Bộ Khoa học và Công nghệ, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đứng ra tổ chức, đa số ý kiến doanh nghiệp, các văn phòng luật đều phản ứng khá quyết liệt với bản dự thảo thông tư này.

Góp ý vào điều 6, chương 2 của dự thảo thông tư về điều kiện nhập khẩu  máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam cho rằng tiêu chí “thời gian sử dụng không quá 10 năm” với việc nhập khẩu tất cả máy móc, thiết bị thuộc các ngành khác nhau là không hợp lý.

“Một số loại máy móc, thiết bị liên quan đến công nghệ thông tin, điện tử, kỹ thuật số thì niên hạn 10 năm là quá lạc hậu. Trong khi, các loại máy móc, thiết bị vận hành chủ yếu về cơ, do các nước có trình độ cơ khí chế tạo ở trình độ cao thì thời gian trên lại là ngắn, cụ thể là với ngành in”, ông Dòng nói.

Cụ thể hơn, ông Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam dẫn chứng: “Có những loại thiết bị, sắp chữ, dàn trang, ghi bản điện tử hoặc máy in kỹ thuật số thì chỉ sau 5-7 năm, các cơ sở in đã muốn thanh lý, bán cũng chẳng mấy ai mua. Trong khi đó, những loại máy in truyền thống như in offset, in ống đồng… hoặc những máy gia công thành phẩm thì 20 năm hoặc lâu hơn nữa vẫn rất tốt nếu là máy Đức, Nhật Bản, Ý, Mỹ… sản xuất”.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp cũng đồng loạt phản ứng với quy định “chất lượng (máy móc, công nghệ… nhập khẩu) còn lại phải đạt từ 80% trở lên”.

Theo ông Nguyễn Văn Dòng: “Đây là tiêu chí mang tính định lượng nhưng dự thảo thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ lại không đưa ra phương pháp đo lường cụ thể. Rất khó tìm ra một phương pháp xác định thế nào là máy móc, thiết bị… chất lượng còn 80% do mỗi chiếc máy, thiết bị có hàng trăm, hàng ngàn chi tiết, khi sử dụng, mức độ hao mòn khác nhau, khó có thể có một công thức đánh giá chính xác chất lượng còn lại của máy móc đó”.

“Thực sự, chúng tôi chưa rõ cơ sở khoa học nào để đưa ra quy định chất lượng còn 80% là phù hợp, chứ không phải 70% hay thấp hơn?”, đại diện cho nhiều doanh nghiệp, LS. Lương Thanh Quang, Công ty Luật TNHH Rajah &Tannn LCT Lawyers nói.

Về giải pháp cho vấn đề này, theo LS. Lương Thanh Quang, chỉ cần giữ lại tiêu chí về chất lượng thiết bị, ưu tiên các cơ sở định tính nhưng tỷ lệ phần trăm tương ứng cần nghiên cứu lại cho hợp lý, phù hợp với từng nhóm máy móc, thiết bị thuộc các ngành nghề khác nhau.

Ông Nestor Scherbey, Trưởng ủy ban Hải quan và thuận lợi hóa thương mại, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho rằng những hạn chế mới trong dự thảo thông tư này có thể đem lại tác dụng “ngược” so với dự định ban đầu (hạn chế nhập khẩu thiết bị, công nghệ lạc hậu).

“Sẽ hiệu quả hơn, nếu đưa ra các quy định về ưu đãi thuế và hải quan cho hoạt động đầu tư các thiết bị và công nghệ mới”, ông khẳng định.