09:41 04/06/2021

Nhóm ngành nào hưởng lợi khi "bão” giá nguyên liệu đang bùng lên toàn cầu?

Linh Lan

Theo ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital, giá bán tăng cao giúp các nhà sản xuất nguyên liệu đầu vào gia tăng lợi nhuận, nhưng các công ty cung cấp hàng tiêu dùng lại giảm tỷ suất lợi nhuận...

Số liệu từ Cục Nghiên cứu Hàng hóa của Mỹ (CRB) cho thấy, tính đến tháng 5/2021, chỉ số Hàng hóa phi năng lượng toàn cầu đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

NHÀ SẢN XUẤT HƯỞNG LỢI, NGƯỜI TIÊU DÙNG MÉO MẶT

Theo ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital, giá bán tăng cao giúp các nhà sản xuất nguyên liệu đầu vào gia tăng lợi nhuận, nhưng các công ty cung cấp hàng tiêu dùng lại giảm tỷ suất lợi nhuận.

Đối với một số công ty sản xuất hàng hoá Việt Nam (đặc biệt là các công ty thép), giá đầu vào tăng thì giá bán sẽ tăng, như vậy, sự tăng giá cuối cùng được đẩy cho người tiêu dùng, bởi vì nhu cầu đối với sản phẩm này rất lớn. Đối với các công ty nhỏ, giá cả hàng hóa tăng cao vẫn làm giảm tỷ suất lợi nhuận của họ.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, ngành sản xuất hàng hóa không tác động nhiều tới sự tăng, giảm của các chỉ số chứng khoán. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn đóng góp tới 15% vào sự tăng trưởng GDP của Việt Nam, cao hơn so với tỷ lệ dưới 10%/GDP ở một số thị trường mới nổi là với những quốc gia sản xuất hàng hóa lớn, như: Brazil, Argentina và Malaysia.

Hơn nữa, khoảng 40% lực lượng lao động tại Việt Nam vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, do đó, giá hàng hóa nguyên liệu tăng cao góp phần tăng thu nhập đối với 2/3 dân số sống ở ngoại ô và nông thôn.

Việt Nam đang là nước sản xuất hạt tiêu lớn nhất thế giới, hơn một nửa lượng hạt tiêu được trồng tại hàng nghìn trang trại quy mô nhỏ, thuộc sở hữu của hộ gia đình, vì vậy giá tiêu tăng 30% so với năm ngoái đang trực tiếp hỗ trợ thu nhập và tiêu dùng của các chủ trang trại nhỏ đó.

GIÁ CỔ PHIẾU THÉP TĂNG VỌT ĐẨY CHỈ SỐ VN-INDEX TĂNG

Giá thép Việt Nam tăng gần 50% so với đầu năm, vượt xa mức tăng 30% của giá quặng sắt toàn cầu so với đầu năm, và sản xuất thép các loại tại Việt Nam cũng đã tăng 20-60% so với đầu năm, tùy thuộc vào từng loại thép, theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA).

Do đó, giá cổ phiếu của các nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam đã tăng gần gấp 03 lần trong năm qua, và tác động tới chỉ số VN-Index tăng, do mã HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát hiện có vốn hóa lớn thứ 4 trên thị trường chứng khoán.

Giá hàng hoá phi năng lượng (hình trái) và Giá quặng thép (hình phải) đều tăng dựng đứng trong vòng 01 năm qua. Tính đến ngày 07/5/2021, giá quặng sắt giao dịch ở mức 210 USD/tấn - Nguồn: VinaCapital.
Giá hàng hoá phi năng lượng (hình trái) và Giá quặng thép (hình phải) đều tăng dựng đứng trong vòng 01 năm qua. Tính đến ngày 07/5/2021, giá quặng sắt giao dịch ở mức 210 USD/tấn - Nguồn: VinaCapital.

Ngoài ra, nhu cầu thép của Việt Nam rất cao, ngành công nghiệp địa phương đang hoạt động gần hết công suất, khiến cho giá thép Việt Nam tăng mạnh trong năm nay.

 Nhu cầu thép đến từ việc Chính phủ tăng chi tiêu đầu tư công 35% so với cùng kỳ năm 2020 cho cơ sở hạ tầng (lên xấp xỉ 6%/GDP), điều này thể hiện ở việc sản xuất thép trong nước tăng trưởng mạnh trong 4 tháng đầu năm 2021.

Ngoài ra, giá thép Việt Nam hiện nay cũng đang được hỗ trợ gián tiếp bởi nhu cầu thép của Trung Quốc tăng mạnh mẽ từ ngành xây dựng của nước này và từ các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc.

Việc hạn chế xuất khẩu thép của Trung Quốc nhằm xây dựng lại kho sản phẩm thép đã cạn kiệt trong đại dịch Covid-19, cũng làm giảm sức cạnh tranh của thép Trung Quốc nhập khẩu đối với thép Việt Nam.

Các quy định môi trường mới ở Trung Quốc đang hạn chế sản xuất thép của nước này, giảm biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép và sản phẩm thép sản xuất cũng giảm một nửa. Điều này giúp gia tăng tỷ suất lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất thép hàng đầu của Việt Nam từ 16% trong năm 2019 lên mức 25% năm 2021 và góp phần nâng giá cổ phiếu của các công ty thép.

Tóm lại, các nhà sản xuất thép Việt Nam đã có thể tăng giá bán của họ nhiều hơn để bù đắp chi phí đầu vào cao hơn.

CÔNG TY THỰC PHẨM TIÊU DÙNG BỊ ẢNH HƯỞNG NẶNG NỀ

Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến các công ty thực phẩm tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, các công ty lớn trong ngành này cũng tìm cách giảm thiểu tác động của chi phí đầu vào bằng cách bảo hiểm rủi ro giá nguyên liệu (hedging) hoặc đẩy chi phí đầu vào tăng cho người tiêu dùng bằng cách tăng giá bán. Cụ thể, có thấy ở một số công ty đầu ngành dưới đây.

Tại Tổng công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã VNM), nguyên liệu sữa bột và đường nhập khẩu, chiếm 30% giá vốn hàng bán, đã tăng giá 35-40% so với cùng kỳ.

Vinamilk cũng bảo hiểm rủi ro giá nguyên liệu đầu vào hơn ½ lượng sữa nhập khẩu. Vì vậy, năm 2021, chi phí đầu vào là sữa và đường chỉ có khả năng tăng 16%, nhưng Vinamilk khó có thể tăng giá bán để đẩy chi phí đầu vào tăng cao cho khách hàng vì sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường sữa. Do đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của Vinamilk vẫn giảm khoảng 6 điểm % (năm 20219 mức này là 47%).

Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (Kido - mã KDC) có nguyên liệu dầu đậu nành và dầu cọ chiếm 60% giá vốn hàng bán. Giá nguyên liệu đầu vào này đã tăng lần lượt 67% và 76% so với cùng kỳ năm ngoái, sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận gộp của Kido 12 điểm % (lưu ý năm 2019 mức này là 22%), do đó, Kido sẽ phải tăng giá bán khoảng 12% để bù đắp giá đầu vào tăng mạnh. Việc đẩy chi phí đầu vào tăng cao cho khách hàng cũng bởi Kido đang là nhà sản xuất dầu thực vật hàng đầu Việt Nam.

Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (Đường Quảng Ngãi - mã QNS) có tới 80% doanh thu là sữa đậu nành và 20% doanh thu đến từ đường ăn. Lượng đường sản xuất được bán buôn cho các đơn vị khác tới 75%.

Mặc dù giá đậu tương đã tăng 60% so với cùng kỳ, nhưng Kido đã bảo hiểm một phần giá đậu tương đầu vào. Bên cạnh đó, giá đường đã tăng 35% so với cùng kỳ lại giúp gia tăng lợi nhuận cho công ty. Do đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao cũng không tác động lớn tới tỷ suất lợi nhuận gộp của Đường Quảng Ngãi.