10:25 04/09/2008

Những cái khó trong hợp tác công nghệ thông tin Việt - Nhật

Đinh Tịnh

Nhật Bản đang trên đường trở thành đối tác lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam

Đã có khoảng trên 40 doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đang hoạt động hợp tác kinh doanh với các đối tác Nhật Bản.
Đã có khoảng trên 40 doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đang hoạt động hợp tác kinh doanh với các đối tác Nhật Bản.
Trong khuôn khổ Ngày hội Công nghệ thông tin Nhật Bản 2008, tổ chức tại Hà Nội từ 3-4/9, đã diễn ra hội thảo với chủ đề “Cầu nối chính sách”.

Đối tác lớn nhất

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng khẳng định lại sự cần thiết đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản phát triển công nghiệp phần mềm. Đây sẽ là đối tác lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam từ nay đến năm 2010.

Trong những năm gần đây, hai nước đã hợp tác  phát triển nhanh trong lĩnh vực này với tốc độ tăng trưởng tới 40-50%/năm. Nhiều công ty Việt Nam có doanh thu rất cao từ thị trường Nhật Bản và ngược lại.

Theo ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa), Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng hợp tác với Nhật Bản bắt đầu  từ tháng 6/2003. Đến tháng 6/2005, Đại hội Vinasa đã chính thức thông qua định hướng chọn Nhật Bản là đối tác chiến lược.

Đến tháng 11/2007, lần đầu tiên Ngày hội Công nghệ thông tin Nhật Bản được tổ chức tại Việt Nam. Và cho đến nay, với sự hợp tác không ngừng của cả hai bên thì câu  lạc bộ giữa Vinasa và Nhật Bản (gọi tắt là VJC) đã có 50 hội viên là các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin của hai nước. Những hội viên này thường xuyên có hoạt động hỗ trợ, trao đổi, tạo sự kết nối giữa các doanh nghiệp.

Nhờ đó, đã có khoảng trên 40 doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đang hoạt động hợp tác kinh doanh với  các đối tác Nhật Bản. Hầu hết các sản phẩm đều tập trung vào phát triển phần mềm, test sản phẩm PM và dịch vụ BPO.

Theo con số thống kê, doanh thu trong khối doanh nghiệp này ngày càng tăng mạnh, chẳng hạn Công ty FPT tăng tới 56% tổng doanh thu. Thậm chí nhiều doanh nghiệp có tới 100% doanh thu từ thị trường Nhật  như: Luvina, NCS, Vĩnh Nam...

Những điểm khúc mắc

Tuy nhiên, theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Vinasa, hiện hợp tác Việt-Nhật  trong lĩnh vực công nghệ thông tin còn gặp nhiều vướng mắc như: khó thiết lập mối quan hệ  kinh doanh với các doanh nghiệp Nhật, qui mô và chất lượng nguồn nhân lực không đủ đáp  ứng nhu cầu doanh nghiệp hai nước.

Ngoài ra, còn có sự khác biệt về văn hoá kinh doanh và qui mô doanh nghiệp Việt Nam còn quá bé, thiếu liên kết. Tình trạng này khắc phục không thể trong một sớm một chiều.

Thời gian tới, Vinasa sẽ kết hợp với Hiệp hội Dịch vụ công nghệ thông tin Nhật Bản (JISA) để xây dựng cổng thông tin điện tử riêng. Qua đó, các doanh nghiệp, tổ chức hoặc các ứng viên quan tâm có thể tìm kiếm  cơ hội tại Nhật Bản một cách dễ dàng hơn. Chậm nhất là tháng 6/2009, cổng thông  tin điện tử này sẽ được đưa vào sử dụng.

Cũng tại hội thảo, đại diện Tập đoàn JISA (Nhật Bản) đã nêu thắc mắc rằng trong định hướng chính sách phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam từ 2007-2010 theo Quyết định 51 có nói tới khoản tiền 70 triệu USD mà Chính phủ dự định hỗ trợ cho công nghiệp phần mềm, trong đó sẽ dùng một phần để hỗ trợ dự án hợp tác công nghệ thông tin Việt-Nhật, nhưng đến nay vẫn chưa thấy (?).

Còn đại diện HitachiSoft, một công ty lớn chiếm tới 23% tổng gia công toàn cầu thực hiện tại Việt Nam, có ý kiến cho rằng: từ năm 2006 đến nay, công ty vẫn chưa thực hiện được nhiều ý tưởng kinh doanh như mong muốn.

Đồng thời, nêu rõ Quyết định 51 của Chính phủ cũng chưa thấy có tác động hiệu quả đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Thời gian tới, cần phải có những chính sách cụ thể, gần gũi và “mở” hơn nữa để doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục phát triển tại thị trường Việt Nam.

Đa phần tại hội thảo, các ý kiến đều thống nhất việc tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ giữa các doanh nghiệp phần mềm hai nước. Bên cạnh đó, yêu cầu chính phủ ký kết chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp phần mềm Việt-Nhật mở rộng hợp tác, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp có thể yên tâm kinh doanh, phát triển.