13:28 17/03/2023

Những dấu ấn của “FDI xanh” tại Việt Nam

Châu Anh -
Với hàng ngàn dự án trải khắp các tỉnh, thành, khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, những nhà đầu tư với các dự án bền vững, xanh hóa đã và đang lựa chọn Việt Nam để “xây tổ”...

Ngày 7/4/1988, tờ giấy phép cho dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên chính thức được Bộ Kinh tế Đối ngoại cấp cho một liên doanh giữa Công ty Hochimex của Hong Kong và Công ty Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu.

Những đồng vốn đầu tiên trị giá hơn 2 triệu USD của Hochimex đi vào lịch sử thu hút vốn ngoại, mở đường cho một hành trình mới của Việt Nam.

Việt Nam được đánh giá đã có chiến lược đúng đắn để trở thành một điểm đến hấp dẫn của FDI. Lũy kế trong 35 năm qua, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn FDI. Trong số này, có 274 tỷ USD đã được giải ngân, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Với hàng ngàn dự án trải khắp các tỉnh, thành, khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, những nhà đầu tư với các dự án bền vững, xanh hóa đã và đang “đều đặn” lựa chọn Việt Nam để “xây tổ”.

Tháng 3/2007, một nhà máy lắp ráp lớn nhất thế giới của Intel, có trị giá đầu tư hơn 1 tỷ USD được khởi công xây dựng, đánh dấu sự bắt đầu cho ngành công nghệ bán dẫn tại Việt Nam. Sau hơn 15 năm có mặt tại Việt Nam, Intel đã đạt những mốc quan trọng về sản xuất, xuất khẩu. Đó là, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức 50 tỷ USD, đã xuất khẩu 2 tỷ đơn vị sản phẩm.

Intel là doanh nghiệp FDI đầu tiên lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại Việt Nam, đây là hệ thống điện mặt trời đầu tiên và duy nhất của Intel tại châu Á, và là hệ thống lớn thứ 6 trong 15 hệ thống điện năng lượng mặt trời của Intel trên toàn cầu. 

Ông Pat Gelsinger, CEO Intel, chia sẻ: "Là một trong những công ty sản xuất và thiết kế chất bán dẫn hàng đầu, Intel hiện đang ở trong một vị thế đặc biệt để tạo ra sự khác biệt vượt xa các hoạt động của chúng tôi. Thực tế, chúng tôi tin rằng đây là điều bắt buộc chúng tôi phải làm. Tôi rất vui mừng được thông báo với các bạn về bước tiến lớn tiếp theo trong cam kết hướng tới các hoạt động bền vững của chúng tôi. Intel cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính bằng “0” trong các hoạt động của chúng tôi vào năm 2040.

Mặc dù có rất nhiều thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu, nhưng tôi phải nói rằng Intel được tạo ra để vượt qua những thách thức này. Tôi nghĩ rằng một tương lai đạt mức phát thải ròng bằng “0” chính là một khoản đầu tư xứng đáng vào khách hàng, vào chính chúng ta và vào hành tinh của chúng ta. Nếu chúng ta đồng hành cùng nhau, chúng ta sẽ có thể làm điều gì đó thực sự tuyệt vời cho hành tinh của chúng ta và cho các thế hệ sau này."

Sau sự hiện diện của Intel, Việt Nam cũng đã đón thêm nhiều doanh nghiệp nước ngoài với những dự án bền vững, thân thiện với môi trường, góp phần quan trọng trong việc tạo lập một quốc gia phát triển, văn minh.  

Cùng chung mục tiêu đầu tư, phát triển tại Việt Nam dựa trên tiêu chí xanh, sạch, bền vững, năm 2017 Tập đoàn China Tianying – Thiên Ý đã quyết định đầu tư dự án điện rác với giá trị đâu tư hơn 7000 tỷ tại Sóc Sơn, Hà Nội.

Tập đoàn China Tianying là Tập đoàn đa quốc gia, có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành các nhà máy điện rác trên khắp thế giới.

Ông Lý Kha, Phó Tổng giám đốc thường trực Nhà máy Điện rác Sóc Sơn, Hà Nội, cho biết thời gian xây dựng nhà máy rất khó khăn do có dịch Covid -19. Nhưng doanh nghiệp rất kiên trì để hoàn thành dự án sớm nhất. Nhà máy điện rác đi vào hoạt động sẽ góp phần kiến tạo một Hà Nội xanh, sạch hơn. Ngoài dự án điện rác tại Sóc Sơn, Thiên Ý mong muốn sẽ tiếp tục đầu tư nhà máy ở các địa phương khác.

Đại diện của Tập đoàn Thiên Ý cũng nhấn mạnh, dù trải qua nhiều khó khăn trong khâu thủ tục để xây dựng nhà máy, nhưng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư hoàn thành dự án một cách nhanh nhất.

Với sự cố gắng nỗ lực này, cũng như các thủ tục hành chính đang được cải thiện rất nhiều, Việt Nam sẽ đón thêm được rất nhiều các nhà đầu tư mới với dòng vốn xanh trong giai đoạn hậu đại dịch.

Mới đây nhất, tháng 11/2022, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy mới trị giá 1 tỉ USD tại tỉnh Bình Dương. Đây là nhà máy thứ 6 trên toàn cầu, cũng là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Tập đoàn này.

Sự hiện diện của Lego là minh chứng tiêu biểu nhất cho thấy, Việt Nam vẫn là sự lựa chọn lý tưởng cho những dự án xanh, thân thiện với môi trường. Chiến lược phát triển của Việt Nam là phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Ông Casten Rassmusen, Giám đốc vận hành Tập đoàn Lego, nhận định rằngViệt Nam hoàn toàn đáp ứng được quy mô mở rộng nguồn nhân lực, khả năng cạnh tranh, đặc biệt việc mở nhà máy đang tác động tích cực đối với môi trường, với quy trình sản xuất xanh, bền vững để hướng tới mục tiêu không phác thải khí Co2.

Video xem nhiều