Những điều ít biết về nền kinh tế của Triều Tiên
Tại Triều Tiên, hầu như không ai dùng Internet và luôn có 2 mức giá cho mọi thứ
Triều Tiên là một trong những quốc gia bí ẩn nhất thế giới. Quốc gia với 25 triệu dân này hiện được điều hành bởi nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Dưới đây là những điều ít biết về nền kinh tế bí ẩn của Triều Tiên được Business Insider tổng hợp.
Hơn 40% người Triều Tiên bị suy dinh dưỡng
Theo Global Hunger Index, tỷ lệ người dân bị suy dinh dưỡng tại Triều Tiên đã tăng từ 37,4% vào năm 2000 lên 43,4% vào năm 2018. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng trong cùng thời gian đó lại giảm. Dù vậy, Triều Tiên không phải là quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng lớn nhất thế giới, xếp thứ 109 trong 199 quốc gia.
Hầu như không ai dùng Internet tại Triều Tiên
Triều Tiên có quy định giới hạn truy cập Internet nghiêm ngặt với mọi công dân. Cả nước này chỉ có một máy chủ và có chưa tới 1% dân số truy cập Internet. Thay vào đó, công dân Triều Tiên sử dụng một mạng nội bộ do nhà nước kiểm soát, có tên là Kwangmyong. Dịch vụ này được cung cấp miễn phí (nếu người dân có tiền mua máy tính), nhưng chỉ cho phép truy cập một số trang web đã được kiểm duyệt.
Theo tờ Daily Telegraph, chỉ những người thuộc tầng lớp lãnh đạo chính trị và gia đình họ, sinh viên tại các trường đại học ưu tú và những người làm việc cho cơ quan an ninh mạng quốc gia mới được sử dụng Internet.
Có hai nền kinh tế ở Triều Tiên và 2 mức giá cho mọi thứ
Ở Triều Tiên tồn tại hai nền kinh tế, một do nhà nước điều hành và một nền kinh tế ngầm. Do đó, mọi thứ đều có hai mức giá, Bill Brown, giáo sư đại học Georgetown nói với tờ Marketplace vào năm ngoái.
Những người làm việc cho công ty nhà nước Triều Tiên được trả lương chỉ bằng một phần của những người làm cho nhà máy của Trung Quốc. Giáo sư Brown cho biết một công nhân dệt tại một nhà máy của nhà nước ở Bình Nhưỡng kiếm được 3.000 Won Triều Tiên mỗi tháng, trong khi đó một công nhân tương đương tại nhà máy của Trung Quốc được trả gấp 100 lần.
Cần tới 12.000 USD để rời khỏi Triều Tiên
Để rời khỏi đất nước, công dân Triều Tiên có thể phải tiêu tốn cả gia tài và việc này trở nên khó khăn hơn kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm chính quyền vào cuối năm 2011. Theo tờ Washington Post, những người muốn rời khỏi đất nước phải trả cho người môi giới 12.000 USD, mức phí tăng mạnh so với khoảng 2.000 - 3.000 USD trước năm 2012.
Vào đầu những năm 2000, mức phí này chỉ là 45 USD. Người dân Triều Tiên có thu nhập trung bình chưa tới 2.000 USD/năm, cách duy nhất để một người có thể rời khỏi đất nước là nếu người thân của họ đã làm được điều đó và trả chi phí cho họ.