Những mặt hàng Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc
Thuế quan của Tổng thống Donald Trump sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu máy chơi game, quạt điện và đồ chơi Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ…

Ngày 11/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump miễn thuế đối ứng với điện thoại thông minh (smartphone), máy tính và thiết bị điện tử tiêu dùng khác. Tuy nhiên, 46/50 mặt hàng mà Mỹ phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc không nằm trong diện được miễn trừ.
Theo một phân tích của tờ báo Financial Times với các mặt hàng có giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đạt trên 1 tỷ USD mỗi năm, thuế quan của ông Trump sẽ ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng Mỹ bởi giá tăng lên hoặc nguồn cung giảm.
MỸ PHỤ THUỘC VÀO NHIỀU MẶT HÀNG TIÊU DÙNG SẢN XUẤT TẠI TRUNG QUỐC
Năm 2024, hơn 3/4 số máy chơi video game, máy chế biến thực phẩm và quạt điện nhập khẩu vào Mỹ là hàng sản xuất tại Trung Quốc. Trung Quốc cũng sản xuất 75% búp bê, xe ba bánh, xe scooter và đồ chơi trẻ em có bánh khác xuất khẩu vào Mỹ trong năm ngoái.
Mattel - nhà sản xuất đồ chơi với sản phẩm nổi tiếng là búp bê Barbie, ô tô Hot Wheels và bài uno - cho biết công ty có thể phải tăng giá bán tại Mỹ để đù đắp chi phí tăng lên do thuế quan. Trên thực tế, việc này đã diễn ra kể từ trước khi Mỹ và Trung Quốc đáp trả qua lại trong cuộc chiến thương mại do ông Trump khởi xướng sau khi nhậm chức.
Công ty có trụ sở tại bang California này cho biết hiện 40% sản phẩm của công ty được sản xuất tại Trung Quốc.
Thông tin ông Trump miễn thuế đối ứng với smartphone, máy tính xách tay, thiết bị sản xuất chip… đã giúp giá cổ phiếu của hàng loạt công ty công nghệ Mỹ gồm Apple, Nvidia và Microsoft tăng mạnh trong giao dịch ngoài giờ sau khi thị trường đóng cửa phiên chính thức ngày thứ Sáu vừa rồi. Máy tính xách tay và smartphone là hai mặt hàng xuất khẩu lớn nhất từ Trung Quốc vào Mỹ với tổng kim ngạch 74 tỷ USD. Quyết định này là một tin đáng mừng với Apple, công ty có mối liên hệ chặt chẽ với chuỗi cung ứng Trung Quốc.
Tuy nhiên, thuế quan của ông Trump vẫn là mối lo lớn với người tiêu dùng Mỹ bởi nhiều mặt hàng Trung Quốc khác vẫn chịu thuế quan 145%. Con số này bao gồm 125% thuế đối ứng và 20% thuế quan đã áp đặt trước đó do vấn đề chất gây nghiện fentanyl nhập lậu từ Trung Quốc.
“Tốc độ và quy mô áp dụng các biện pháp thuế quan cho thấy chi phí tăng thêm do chi phí tăng do thuế quan nhiều khả năng sẽ được chuyển thành tăng giá bán sản phẩm”, ông Chad Bown, thành viên cấp cao tai Viện Kinh tế Quốc tê Peterson (PIIE), nhận xét. “Thuế quan với hàng Trung Quốc vào Mỹ đang ở mức rất cao, được áp dụng với tốc độ nhanh chóng và với nhiều mặt hàng tiêu dùng không bị ảnh hưởng bởi thuế quan trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Do đó, giá của các mặt hàng này chắc chắn sẽ tăng lên”.
Thuế quan đồng nghĩa giá quạt để làm mát cho mùa hè sắp tới tại Mỹ cũng tăng lên. Trung Quốc chiếm 90% quạt điện và 40% điều hòa không khí nhập khẩu vào Mỹ trong năm ngoái. Trung Quốc hiện thống trị thị trường xuất khẩu toàn cầu đối với cả hai mặt hàng này.
Người Mỹ có ý định mua lò vi sóng mới cũng sẽ phải đối mặt với khả năng giá tăng. 90% lò vi sóng nhập khẩu vào Mỹ trong năm ngoái đến từ Trung Quốc. Quốc gia châu Á này hiện cũng kiểm soát khoảng 75% thị trường xuất khẩu lò vi sóng toàn cầu.
THÁCH THỨC TÌM CHUỖI CUNG ỨNG THAY THẾ
Theo bà Allie Renison, cựu quan chức bộ thương mại Anh và hiện làm việc tại công ty tư vấn SEC Newgate, sự thống trị của Trung Quốc đối với rất nhiều mặt hàng xuất khẩu toàn cầu đồng nghĩa rằng việc tìm kiếm nhà sản xuất thay thế sẽ không dễ dàng.
"Những năm gần đây, các doanh nghiệp Mỹ và phương Tây đã dịch chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc và sang các nước châu Á khác. Nhưng rất nhiều vật liệu thô và linh kiện sản xuất tại Trung Quốc vẫn được đưa vào sản phẩm mà các công ty này đang lắp ráp”.
Theo bà Renison, thách thức lớn nhất không phải là tìm kiếm nhà cung cấp thay thế, vì phần lớn Đông Nam Á đã và đang tăng sản lượng sản phẩm công nghiệp, mà là Mỹ sẽ đặt điều kiện gì để đi đến thỏa thuận thương mại với các quốc gia trong khu vực này.
Việc chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc đặc biệt khó với những sản phẩm điện tử như máy chơi game, điện thoại di động do chuỗi cung ứng phức tạp và cần trình độ công nghệ nhất định để sản xuất.
“Rất khó để dịch chuyển sản xuất nhanh, đặc biệt với những mặt hàng như smarphone bởi cần thời gian để tăng công suất, đào tạo lao động và thiết lập các tuyến cung ứng đầu vào thay thế”, ông Jason Miller, giáo sư trường kinh doanh Đại học bang Michigan, nhận định.
Theo nhà phân tích Wamsi Mohan của ngân hàng Bank of America, nếu Apple dành toàn bộ sản lượng iPhone từ Ấn Độ cho thị trường Mỹ thì cũng chỉ đáp ứng được khoảng một nửa trong số hơn 50 triệu điện thoại mà công ty này xuất khẩu vào Mỹ mỗi năm.
Nhìn chung, cứ 5 điện thoại xuất khẩu vào Mỹ thì có 4 chiếc sản xuất tại Trung Quốc.
“Mối quan tâm lớn nhất đối với người tiêu dùng Mỹ là các nhà nhập khẩu có thể sẽ phải ngừng nhập khẩu một số hàng hóa từ Trung Quốc do lo ngại không thể tăng giá bán những sản phẩm đó”, ông Miller nhận xét.