Trung Quốc đánh thuế 125% lên hàng Mỹ để trả đũa
Động thái này tiếp tục leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc và Mỹ sẽ bắt đầu đàm phán thương mại...

Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 11/4 tuyên bố trả đũa thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump bằng cách tăng thuế quan với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ từ 84% lên 125% từ ngày 12/4. Đây là mức tương ứng với thuế đối ứng mà Washington đang áp với hàng Trung Quốc vào Mỹ.
“Kể cả khi Mỹ tiếp tục tăng thuế quan, điều này sẽ không còn ý nghĩa về mặt kinh tế và trở thành một trò cười trong lịch sử kinh tế thế giới”, thông cáo của Bộ Tài chính Trung Quốc nêu rõ. “Với thuế quan ở mức hiện tại, sẽ không còn thị trường cho hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc nữa. Nếu Chính phủ Mỹ tiếp tục tăng thuế quan với hàng Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không quan tâm nữa”.
Chính quyền Trump ngày 10/4 xác nhận với hãng tin CNBC rằng tổng thuế quan của Mỹ với hàng Trung Quốc hiện là 145%, bao gồm 125% thuế đối ứng và 20% đã áp dụng được hai tháng qua.
“Đây là hồi kết của sự leo thang thuế quan song phương. Cả Trung Quốc và Mỹ đều đã phát đi thông điệp rõ ràng rằng không có lý do gì để tăng thuế quan thêm nữa”, ông Zhiwei Zhang, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại công ty đầu tư Pinpoint Asset Management, nhận xét.
Theo ông Zhang, bước tiếp theo sẽ là đánh giá thiệt hại trong hoạt động kinh tế ở Trung Quốc và Mỹ. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ hai nước sẽ bắt đầu đàm phán và tránh những gián đoạn lớn với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Không giống các đợt trả đũa trước, trong thông báo trả đũa ngày 11/4, Bắc Kinh không đưa ra thêm biện pháp siết chặt xuất khẩu và cũng không đưa thêm doanh nghiệp Mỹ “danh sách thực thể không đáng tin cậy”.
Trong một tuyên bố cùng ngày, Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc He Yongqian một lần nữa nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẵn sàng đàm phán với Mỹ trên cơ sở bình đẳng.
Kể từ khi ông Trump công bố chính sách thuế đối ứng hôm 2/4, những hy vọng về một thỏa thuận giữa hai nước để giải quyết căng thẳng thương mại đã bị dập tắt sau các khi Bắc Kinh liên tục đáp trả các đòn thuế quan của Mỹ, đồng thời siết chặt quy định đối với doanh nghiệp Mỹ.
“Thật không may là Trung Quốc thực sự không muốn đến đàm phán, vì họ là nước vi phạm tồi tệ nhất trong hệ thống thương mại quốc tế”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nhận xét với hãng tin Fox Business hôm 9/4 khi Trung Quốc tăng thuế quan với hàng Mỹ lên 84% để trả đũa. “Họ có nền kinh tế mất cân bằng nhất trong lịch sử thế giới hiện đại và việc leo thang thuế quan chỉ khiến họ thiệt hại”.
Ngân hàng Goldman Sachs ngày 10/4 hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống mức 3% do tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ và tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
“Dù xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ chỉ đóng góp khoảng 3 điểm phần trăm vào tổng GDP của Trung Quốc, nhưng cuộc chiến thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn sẽ ảnh hưởng lớn tới người lao động Trung Quốc”, các nhà phân tích của Goldman Sachs nhận xét.
Ngân hàng đầu tư Mỹ ước tính tại Trung Quốc có khoảng 10-20 triệu người lao động có liên quan tới các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Trong thông báo trả đũa ngày 11/4, Bắc Kinh cũng tái khẳng định rằng nước này sẽ tiếp tục "kiên quyết phản công và chiến đấu đến cùng" nếu Mỹ tiếp tục xâm phạm lợi ích của Trung Quốc.
Tại một cuộc họp với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez cùng ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng: “Không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến thuế quan và việc chống lại cả thế giới sẽ chỉ khiến một quốc gia tự cô lập chính mình”.
Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Tây Ban Nha đã cam kết tiếp tục làm sâu sắc mối quan hệ giữa hai quốc gia trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư và đổi mới công nghệ.