Những nguyên nhân gây đau nửa đầu
Bệnh đau nửa đầu khá phổ biển, ở nước ta có khoảng 10% dân số mắc căn bệnh này. Những cơn đau đầu dữ dội kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, chưa kể đến những biến chứng thần kinh gây nguy hiểm tính mạng. Theo đó, cần phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
4 nhóm nguyên nhân gây bệnh Bệnh đau nửa đầu có hai dạng, dạng đau nửa đầu mà không rõ nguyên nhân, gọi là hội chứng Mít-rên ( Migraine ), còn có nguyên nhân gọi là bệnh Mít- rên. Đau nửa đầu được xếp vào nhóm đau đầu do nguyên nhân mạch máu não, như có sự co giãn bất thường của hệ thống mạch máu não một bên. Bệnh gây đau đớn một bên đầu, có thể là bên phải, bên trái, phía sau, hoặc vùng thái dương, kèm theo những cường độ đau khác nhau, trong nhiều giờ thậm chí nhiều ngày. Đây là một bệnh lý gây khó chịu và nguy hiểm nhất trong các chứng đau đầu phổ biến hiện nay. Bệnh có thể xảy ra với bất cứ đối tượng nào, bất cứ thời điểm nào, nhưng nữ giới chiếm tỷ lệ cao hơn đến 75%, nhất là nữ giới trong công sở tỷ lệ 2/1. Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, Trưởng khoa Đông y bệnh viện Quân y 108 chia sẻ, có 4 nguyên nhân chính gây bệnh đau nửa đầu. Thứ nhất là nguyên nhân liên quan đến rối loạn mạch máu, do mạch máu co dãn thất thường, làm cho các tiểu cầu tích tụ lại và từ đó phóng thích ra các chất dẫn truyền thần kinh gây lên những cơn đau. Yếu tố thứ 2 là do di truyền: những nữ giới có bố mẹ, người thân bị đau nửa đầu có nguy cơ cao hơn 70% so với người khác. Thứ 3 là do nội tiết tố nữ: sự thay đổi này liên quan rất nhiều đến chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới. Cuối cùng là yếu tố môi trường cũng gây nên những cơn đau nửa đầu: bao gồm môi trường tự nhiên: thay đổi thời tiết, nhiệt độ, áp suất, độ ẩm; và môi trường xã hội như căng thẳng thần kinh stress, áp lực công việc, bất ổn trong quan hệ xã hội gia đình...
Bệnh dễ tái phát Về biểu hiện bệnh đau nửa đầu khá phong phú: điển hình với triệu chứng sớm, người bệnh thấy mệt mỏi, chán ngán, ngáp, ngủ nhiều, ở giai đoạn tiền triệu chứng: bắt đầu xuất hiện một số ảo giác, như thấy lóe sáng trước mắt, có dị cảm như tê chân, tay, tê nửa đầu... Và giai đoạn ba là đau nửa đầu điển hình: kéo 2-4 tiếng đồng hồ, một bên nửa đầu đau dữ dội, cảm giác như nhịp đập của mạch máu, kèm theo nôn, buồn nôn, chóng mặt, sợ ánh sáng và âm thanh mạnh, thậm chí tím tái, sau cơn đau bệnh nhân rất mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, đi vào trầm cảm... Đặc điểm nổi bật của bệnh đau nửa đầu là rất dễ tái phát và mỗi lần tái phát thường làm cho người bệnh rất khó chịu, chóng quên và có thể gây rối loạn tiêu hóa và tiểu tiện. Với trẻ em thì bệnh thường khởi phát xung quanh lứa tuổi dậy thì do ảnh hưởng bởi các yếu tố tâm lý, cảm xúc, nhất là trẻ em gái, bệnh có thể gây liệt đột ngột (hãn hữu) và rối loạn cảm giác. Đi kèm với liệt nửa người là đau nửa đầu phía đối diện với bên liệt. Các triệu chứng này cũng chỉ diễn ra trong vòng vài giờ rồi khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng. Ở trẻ em khi bị đau nửa đầu còn có thể kèm theo đột ngột đau bụng dữ dội ở vùng thượng vị, quanh rốn kèm theo cảm giác buồn nôn, nôn và có thể đi ngoài phân lỏng diễn ra trong vòng vài giờ rồi hết. Tuy nhiên, triệu chứng có thể tái phát nhiều lần làm cho phụ huynh lo lắng và đưa trẻ đi khám bệnh mới có kết luận đau nửa đầu.