Ninh Thuận: Nhiều ưu đãi đón nhà đầu tư
"Nhà đầu tư là động lực để phát triển kinh tế xã hội của Ninh Thuận. Tỉnh luôn đồng hành với nhà đầu tư để tìm ra những sản phẩm mới, khai phá tiềm năng"
Đầu tháng 4/2019, tại lễ động thổ dự án SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang của tập đoàn Crystal Bay và các đối tác, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh nói: "Nhà đầu tư là động lực để phát triển kinh tế xã hội của Ninh Thuận. Tỉnh luôn đồng hành với nhà đầu tư để tìm ra những sản phẩm mới, khai phá tiềm năng".
4 mũi nhọn kinh tế, 350 dự án và 115.000 tỷ đồng
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư Ninh Thuận tháng 8/2018 tổ chức tại Tp.HCM, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cam kết dành những ưu đãi hấp dẫn nhất của Tỉnh cho các nhà đầu tư.
Cam kết được hiện thực hóa bằng hàng loạt chính sách: giảm giá thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu, thủ tục đầu tư nhanh chóng và thông thoáng.
Tại sự kiện này, ông Phạm Đồng, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận nhấn mạnh: "Ninh Thuận trải thảm đỏ mời gọi tất cả những dự án đầu tư, trong đó chú trọng những dự án vào các lĩnh vực du lịch, năng lượng sạch…".
UBND tỉnh Ninh Thuận đã thành lập văn phòng phát triển kinh tế với cơ chế "một cửa liên thông" có nhiệm vụ hỗ trợ các nhà đầu tư từ việc khảo sát thực tế đến khâu làm thủ tục cuối cùng.
Từ những chính sách hấp dẫn nhà đầu tư, cộng vào đó là những tiềm năng của thiên nhiên…, theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay, Ninh Thuận đã có 350 dự án đầu tư với số vốn đăng ký hơn 115.000 tỷ đồng, tập trung vào 4 lĩnh vực trọng điểm: du lịch và bất động sản, năng lượng sạch, nuôi trồng - chế biến thủy sản và nông nghiệp sạch.
Bước đầu, các nhà đầu tư tại Ninh Thuận hài lòng về việc chọn lựa vùng đất cũng như ngành nghề đầu tư.
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Tập đoàn Crystal Bay chia sẻ: "Ninh Thuận nằm trong vùng tam giác trọng điểm về du lịch của 3 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng. Nhìn thấy tiềm năng và những thế mạnh của vùng đất này cũng như các chính sách ưu đãi của Tỉnh, chúng tôi tiên phong đầu tư vào lĩnh vực du lịch".
Ông Phạm Ngọc Ánh, giám đốc điều hành công ty Gmilk cho biết: "Tại Ninh Thuận, từ năm 2016 Gmilk đã mở rộng quy mô sản xuất với sự tham gia của 500 hộ dân. Sản phẩm của Gmilk đang được người tiêu dùng tại các đô thị lớn như Tp.HCM đón nhận".
Ông Lý Hưng Dũng, đại diện tập đoàn Ingeteam tại Việt Nam đánh giá cao thế mạnh của Ninh Thuận là lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió...
Chủ tịch Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh cho biết, hiện có 8 dự án điện gió và điện mặt trời đã hoạt động. "Đến tháng 6.2019, Ninh Thuận sẽ có thêm 13 dự án điện mặt trời hoạt động với tổng công suất khoảng 700 MW", ông Vĩnh cho biết thêm. Riêng về điện gió, Ninh Thuận đã cấp chứng nhận đầu tư cho 16 dự án với công suất khoảng 1.154MW với tổng vốn 37.000 tỷ đồng.
Du lịch: Đầu tư sôi động
Là "vùng sa thảo mộc của khu vực Đông Nam Á và là vùng Tây Á của Việt Nam", là "cái nôi của vương quốc Champa cổ"…, Ninh Thuận có thế mạnh về mô hình du lịch tổng hợp: nghỉ dưỡng, sinh thái và văn hóa.
Ninh Thuận đặt mục tiêu: năm 2020 sẽ đón 2,5 triệu lượt khách, trong đó 8 - 10% là khách quốc tế; doanh thu đạt khoảng 1.450 tỷ đồng, đóng góp 12% GRDP, giải quyết việc làm cho khoảng 13% lao động của tỉnh. Còn vào năm 2025, Ninh Thuận sẽ đón 3,5 triệu lượt khách, trong đó 12-13% khách quốc tế; doanh thu khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP...
Chỉ 5 tháng đầu năm 2019, Ninh Thuận đã đón gần 1,5 triệu lượt du khách, chiếm 63,3% kế hoạch năm, tăng 5,4 % so với cùng kỳ.
Nhưng điểm yếu của Ninh Thuận hiện nay là thiếu cơ sở nghỉ dưỡng cả về lượng lẫn chất.. Điều đau đáu của lãnh đạo và người dân Ninh Thuận là "tìm và mời" những nhà đầu tư trong và ngoài nước vừa có năng lực tài chính, vừa có kinh nghiệm tổ chức, quản lý hạ tầng dịch vụ du lịch hiện đại mới khai thác thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng để thu hút du khách đến với miền đất này.
Không chỉ có chính sách, với nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tính đến cuối tháng 5.2019, Ninh Thuận đã có 61 dự án cho lĩnh vực du lịch với tổng vốn tư gần 21.000 tỷ đồng.
Tháng 4/2019, tập đoàn Crystal Bay - nhà đầu tư chiến lược tại Ninh Thuận - đã cùng các đối tác tiên phong động thổ dự án SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang với tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng. Đây là khu nghỉ dưỡng giải trí biển tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên của Ninh Thuận.
Dự án này còn gây chú ý lớn khi phát triển mô hình ApartHotel đầu tiên ở Việt Nam, cung cấp hệ sinh thái tiện ích "khổng lồ" với 3.300 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao. Dự tính năm 2021, dự án này sẽ chính thức hoạt động, mang tới Ninh Thuận dòng khách quốc tế lớn của Tập đoàn Crystal Bay.
Đại diện tập đoàn này cho biết, với việc dẫn đầu dòng khách Nga tại Việt Nam trong năm 2018, chiếm 60% thị trường và đang không ngừng mở rộng dòng khách quốc tế, Ninh Thuận sẽ là thị trường lớn của doanh nghiệp này ngay khi dự án hoàn thiện.
Trong tương lai, Crystal Bay có kế hoạch phát triển 10.000 phòng nghỉ cao cấp tiêu chuẩn 5 sao với các dự án quy mô lớn khác tại đây.
Trước đó, đầu năm 2019, UBND tỉnh Ninh Thuận đã trao quyết định đầu tư cho 3 dự án du lịch với tổng vốn hơn 5.550 tỷ đồng.
Chủ tịch Lưu Xuân Vĩnh xác định: "Ninh Thuận phát triển du lịch với 4 tiêu chí: mộc mạc - ấn tượng - rắn chắc và hoang sơ". Ninh Thuận đang chuyển mình để hội nhập nhưng vẫn giữ lại những giá trị nguyên thủy của một vùng đất nhiều nắng, gió và trầm tích văn hóa.
Chính phủ đã đồng ý bổ sung các khu du lịch Bình Tiên - Vĩnh Hy, Cà Ná - Mũi Dinh vào "các khu du lịch quốc gia" thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Đây là cơ sở để hàng loạt dự án bất động sản du lịch nghìn tỷ đồng sẽ được phát triển ở khu vực phía nam tỉnh Ninh Thuận. Trong năm 2018 - 2019, nhiều "đại gia" chuyên đầu tư về du lịch và bất động sản như: Vinpearl, T&T, Mũi Dinh Ecopark, TDH Ecoland, FLC... (Việt Nam), CMX (Canada), Adani (Ấn Độ), Blue Circle và Sinergy (Singapore)... cũng đã đến Ninh Thuận để tìm kiếm cơ hội.