13:39 07/09/2022

Nỗ lực giảm nghèo đa chiều: Phía trước còn nhiều thách thức

Dũng Hiếu

Với việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia vào năm 2015, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều làm công cụ xác định mục tiêu, theo dõi tình hình nghèo đói và xây dựng chính sách.

Mô hình nuôi bò thoát nghèo bền vững
Mô hình nuôi bò thoát nghèo bền vững

Tuy vậy, tình trạng nghèo tồn tại trong các nhóm dân tộc thiểu số và dân cư các vùng ven biển, hải đảo là một thách thức đối với Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Đại dịch Covid-19 khiến cho nỗ lực xóa bỏ nghèo đói gặp nhiều khó khăn.

THÀNH TỰ XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO ĐƯỢC QUỐC TẾ CÔNG NHẬN

Thành tựu đáng kể của Việt Nam trong công cuộc xóa đói giảm nghèo đã được quốc tế công nhận: tỷ lệ người nghèo đã giảm mạnh từ 57% vào đầu những năm 90 xuống còn 5,2% vào năm 2020.

Nhìn nhận chất lượng cuộc sống của người dân không chỉ từ thu nhập, mà từ nhiều chiều cạnh liên quan khác, tháng 11/2015, Chính phủ Việt Nam đã ban hành hệ thống chỉ tiêu đo mức nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình Việt Nam chuyển đổi từ cách tiếp cận nghèo dựa vào thu nhập sang nghèo đa chiều.

 
Bà Kanni Wignaraja - Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNDP
Bà Kanni Wignaraja - Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNDP

Đầu tư và chính sách cần thiết để khuyến khích và cải thiện việc làm năng suất cao; Cải thiện việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng và nâng cao khả năng tiếp cận đối với cộng đồng ở vùng sâu vùng xa; Mở rộng bảo trợ xã hội, không phải là tạm thời để ứng phó với các cuộc khủng hoảng mà như một hệ thống thường trực linh hoạt và mở rộng hơn; Mở rộng việc sử dụng số hóa trong việc thực hiện, kinh tế tri thức...

Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực về áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, làm cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 (UNDP).

Chương trình đánh giá đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam, từ cách tiếp cận đo lường nghèo dựa trên thu nhập sang dựa trên đa chiều tiêu chí.

Mới đây, Báo cáo Nghèo đa chiều 2021 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và hợp tác kỹ thuật từ Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (CAF/VASS), cũng chỉ rõ, trong thập kỷ qua, thành tựu giảm nghèo ở Việt Nam đã rất ấn tượng cho dù được đo lường bởi bất kể phương pháp nào.

Đặc biệt, nghèo đa chiều đã giảm liên tục và đáng kể, từ 18,1% năm 2012 xuống 10,9% năm 2016 và 4,4% năm 2020. Điều đáng chú ý là, trong khi tỷ lệ nghèo về thu nhập luôn thấp hơn tỷ lệ nghèo đa chiều trong thập kỷ qua, thì nay khoảng cách giữa hai tỷ lệ này đã thu hẹp đáng kể, chỉ còn 0,6 điểm phần trăm vào năm 2020.

Điều này cho thấy, tỷ trọng dân số cận nghèo thu nhập với ít nhất 3 mức độ thiếu hụt đã giảm đáng kể trong giai đoạn 2016 - 2020.

“Cứ 10 người thì có một người nghèo về thu nhập trong năm 2014, nhưng một nửa trong số họ đã thoát nghèo bền vững trong giai đoạn trước đại dịch”, Báo cáo đánh giá.

Nỗ lực giảm nghèo đa chiều: Phía trước còn nhiều thách thức - Ảnh 1

Nếu so sánh giữa hai khu vực nông thôn và thành thị còn cho thấy sự khác biệt không lớn với tỷ lệ thoát nghèo bền vững chiếm tỷ trọng áp đảo trong các hộ thoát nghèo năm 2016.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng đưa ra sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm dân tộc. Tỷ lệ không nghèo của nhóm đồng bào dân tộc thiểu số thấp hơn đáng kể so với nhóm người Kinh-Hoa (48,7% so với 93,2%).

Đồng thời, tình trạng thoát nghèo của nhóm đồng bào dân tộc thiểu số thiếu bền vững hơn so với nhóm người Kinh-Hoa: 20% nhóm đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo giai đoạn năm 2016 đã tái nghèo vào năm 2018, trong khi tỷ lệ này của nhóm người Kinh-Hoa chỉ là 7,6%.

Nỗ lực giảm nghèo đa chiều: Phía trước còn nhiều thách thức - Ảnh 2

Báo cáo đã đưa ra đánh giá Việt Nam đạt được tiến bộ trong việc giảm nghèo đa chiều nhờ tăng việc làm năng suất cao; cải thiện các dịch vụ xã hội; mở rộng hệ thống bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, tính dễ bị tổn thương và chênh lệch vẫn là những thách thức lớn. Mặc dù chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực giáo dục đang gia tăng, bất bình đẳng trong tiếp cận công nghệ và thiết bị vẫn là một thách thức.

Sự phân chia kỹ thuật số càng sâu hơn trong thời kỳ Covid-19. Khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế đã được cải thiện, nhưng vẫn còn chênh lệch, đặc biệt là giữa y tế tuyến trên và y tế cơ sở. Về bảo trợ xã hội, các chương trình hỗ trợ tiền mặt có phạm vi bao phủ hạn chế và lợi ích thấp...

NHÂN RỘNG CÁC MÔ HÌNH, SÁNG KIẾN XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO TỐT

Hiện Việt Nam đã trải qua sáu lần điều chỉnh tiêu chí về nghèo cho phù hợp tình hình thực tế. Từ các tiêu chí về lương thực nhằm bảo đảm có ăn, có mặc, đến áp dụng giá cả, thu nhập, mức sống tối thiểu... và bây giờ chúng ta đang áp dụng chuẩn nghèo đa chiều.

 
Ông Hầu A Lềnh, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
Ông Hầu A Lềnh, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

Việc áp dụng phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều đã hỗ trợ rất lớn trong xây dựng, triển khai và đo lường sự thành công của chính sách dân tộc . Cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc được đầu tư cơ bản, giáo dục đào tạo, đời sống văn hóa, chăm sóc sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm sâu sắc.

Về phương thức giảm nghèo, Việt Nam chuyển đi từ chỗ Nhà nước phải bảo đảm ngân sách hoàn toàn sang phương thức Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt; người dân, hộ nghèo là chủ thể..

Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2021/CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, trong đó quy định giai đoạn 2022- 2025 áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều mới, khiến hộ cận nghèo tăng từ 5,2% năm 2020 lên 9,35% năm 2022.

Song, đồng nghĩa là có thêm 10 triệu người được hưởng lợi từ các chính sách và chương trình mục tiêu của Chính phủ về bảo trợ xã hội và giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025.

Đánh giá về kết quả xóa đói giảm nghèo trong những năm qua, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh trong những năm qua, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện.

Hàng triệu hộ gia đình đã thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống trung bình, khá giả; nhiều địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn, một số địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Thế nhưng kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao.

Nguồn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Nguồn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều… Chưa kể, hai năm đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến công việc này, khiến cho công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn tới càng khó khăn hơn.

Theo ông Tô Đức, Chánh văn phòng Quốc gia giảm nghèo, chưa bao giờ công tác giảm nghèo quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như thời điểm này. Thiên tai, dịch bệnh có thể làm gia tăng đáng kể số hộ nghèo, nhất là nghèo đô thị.

Trong bối cảnh đó, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm cốt lõi rất mới so với giai đoạn 2016-2020. Đó là phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó sẽ thay đổi cách thức hỗ trợ cho người nghèo; nhân rộng các mô hình, sáng kiến xóa đói giảm nghèo tốt; ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các tổ chức quốc tế trong việc xóa đói giảm nghèo phù hợp với từng địa phương là cách Việt Nam thực hiện tốt các mục tiêu mới của mình trong giai đoạn 2021-2025.

 

Chuẩn về thu nhập theo tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 của Chính phủ quy định:

Khu vực nông thôn 1,5 triệu đồng/người/tháng

Khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng.

Mức chuẩn nghèo về thu nhập đã tăng gần gấp đôi chuẩn nghèo cũ quy định. Theo đó:

+ Khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng;

+ Khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng.

Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm các dịch vụ xã hội cơ bản (gồm 6 dịch vụ: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin) và các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.